Trong suốt gần 120 phút, chuỗi diễn biến trong vở kịch “Bóng rối” đã dìu dắt người xem đến những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và câu chuyện đầy cảm xúc trên trên hành trình được sống là chính mình của các nhân vật.
Ngày 13/4, Nhà hát Kịch Việt Nam đã đưa vở kịch “Bóng rối” quay trở lại với khán giả Hà Nội. Đây là một vở kịch mang hơi thở đương đại, phá vỡ quy tắc kịch truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam. “Bóng rối” do nhà văn Vũ Hoàng Hoa viết kịch bản, NSƯT Tạ Tuấn Minh làm đạo diễn và NSND Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật.
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa đã dành suốt 2 năm để hoàn thành kịch bản. Chị là con gái nghệ sĩ Kim Thư của Nhà hát Kịch Việt Nam, cháu nội của nhà văn Vũ Ngọc Phan. Trước khi được Nhà hát Kịch Việt Nam chọn dựng, tháng 5/2023, Bóng rối đã lọt vào danh sách 5 vở được đề cử Giải thưởng Patrick White của Nhà hát Sydney, một trong những giải thưởng quan trọng nhất của sân khấu Úc và danh sách 25 vở kịch hấp dẫn nhất trong số 144 vở tham gia Giải thưởng Kịch bản mới của Nhà hát Griffin.
Vở kịch “Bóng rối” được bắt đầu một cách độc đáo bằng ánh sáng lập lòe, các lớp rèm bao phủ, diễn viên độc diễn mở màn bằng múa đương đại. Một cách dẫn chuyện khác với kịch truyền thống.
Ngay ở đầu vở kịch, tác giả đã gửi gắm và nhấn mạnh một thông điệp: Sự thật như củ hành, hết lớp này tới lớp khác, càng bóc chỉ càng cay mặt, sự thật với người này không phải sự thật của người khác, sự thật ở thời điểm này không phải sự thật ở thời điểm khác. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình bóc tách “củ hành” sự thật về những sự việc diễn ra trong chính gia đình mình của nhân vật Kiên.
“Bóng rối” bắt đầu khi Kiên về nhà sau khi nhận tin bố đột ngột qua đời. Trước sự ra đi đột ngột của bố, không ai trong gia đình cho Kiên một lời giải thích. Kiên trách gia đình đã giấu mình, lừa dối mình. Đóng mình lại trong căn studio điêu khắc của bố, Kiên quay trở về dòng chảy quá khứ qua các con rối, để tìm ra nguyên nhân về sự ra đi bí ẩn của bố.
Ngược dòng về quá khứ, Kiên được trở lại những ngày tháng hạnh phúc thời thơ ấu khi chơi đùa cùng bố, nằm trong vòng tay của mẹ. Với Kiên, bố luôn là người bạn thân nhất. Bố Kiên là một nghệ sĩ điêu khắc, trong studio của ông, Kiên luôn nhìn thấy những tác phẩm bố làm với các hình khối co quắp, đớn đau… Có lẽ là do tâm hồn ông luôn bị “giam cầm”, cất giấu những nỗi đau thầm kín trong suốt bao năm qua.
Những chi tiết, sự việc đã từng diễn ra trong gia đình cứ lần lượt hiện lên khiến Kiên nhận ra được sự thật mà cả nhà đã giấu bấy lâu nay về bố. Kiên biết được mối quan hệ tình cảm đặc biệt giữa bố và nhà văn Cedric – người bạn thân nhất của mẹ. Đây cũng là người mà mẹ Kiên từng đem lòng yêu say đắm. Mẹ của Kiên cũng rất đau khổ khi biết được sự thật về mối quan hệ ngang trái của chồng mình và người bạn thân nhất.
Những diễn biến trong quá khứ được lắp ghép theo dòng chảy đồng hiện của ký ức. Từ đó, Kiên dần nhận ra những bí mật chất chứa trong lòng của người thân. Là sự giằng xé, đau đớn, một cuộc sống đầy bi kịch của bố khi không được sống đúng với bản chất của mình. Là nỗi khổ đau của mẹ khi phải chịu đựng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Là nỗi khổ tâm của bà nội – người phụ nữ luôn ở sau tấm rèm, ràng buộc mình bởi những quy tắc và ngăn cấm các con vượt ra khỏi phép tắc mà bà đặt ra.
Điều đó khiến Kiên nhận ra rằng, đằng sau lớp áo tưởng chừng rất hạnh phúc của gia đình mình, không ai được sống như cách mình muốn, không ai trong số họ cảm thấy hạnh phúc… Họ không được làm những điều mình khát khao bởi mạng lưới trách nhiệm luôn chằng chịt bao quanh.
Chuỗi sự kiện lồng ghép, đan xen với nhau đã bóc trần “củ hành” sự thật. Sau khi biết về nỗi khổ tâm của bố, cuộc sống không hạnh phúc của mẹ, những góc khuất trong lòng của người thân cạnh bên, Kiên đã thốt lên “Con thương bố, mẹ”.
Một chi tiết đặc biệt của vở kịch là những tấm màn xuất hiện liên tục, khi được kéo vài để cất giấu những bí mật, khi được mở ra để vén màn những sự thật được cất giấu. Khi Kiên hỏi về những sự việc của bố, mẹ Kiên sẽ nhanh chóng kéo màn lại, hàm ý che giấu con.
Trong vở kịch, người, bóng và những con rối “biết nói”, biểu đạt cảm xúc hòa quyện với nhau, lột tả những diễn biến tâm lý sâu thẳm trong nhân vật. Đó là nỗi đau gia đình, tình yêu đồng giới và cuộc vật lộn để sống đúng với con người thật của mình.
Xuyên suốt vở kịch là những diễn biến tâm lý cùng những mâu thuẫn, xung đột nội tâm trong sâu thẳm mỗi nhân vật. Mạch kịch không diễn ra theo một trật tự cụ thể nào mà lồng ghép giữa mơ – thực, hiện tại và quá khứ.
Cái kết mở của vở kịch cũng khiến người xem có những câu hỏi bỏ ngỏ. Trong mỗi chúng ta, sẽ luôn có những bí mật nằm trong một góc khuất nào đó nơi đáy sâu tâm hồn, người ngoài cuộc khó có thể nhìn thấy và chạm vào? Lựa chọn của mỗi người có thật sự được quyết định bởi họ hay còn phụ thuộc vào những ràng buộc của bổn phận, trách nhiệm? Liệu chúng ta có được sống đúng với chính mình? Đằng sau những tấm áo hạnh phúc, là những nỗi niềm nào còn chưa kể?
“Bóng rối” đã mang lại một thông điệp nhân văn rằng “sống thật là chính mình”. Vở kịch không chỉ khai thác câu chuyện của riêng ai, về một cộng đồng, vấn đề giới tính trong xã hội hiện đại mà chạm đến những vấn đề nhân loại mang giá trị nhân văn.
Vở “Bóng rối” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ gạo cội cùng các gương mặt trẻ tài năng như: NSND Lan Hương, NSND Việt Thắng, NSƯT Thu Hà, Vũ Tuấn, Nguyễn Vũ, La Thiên, Thảo Trang … Tiếp nối thành công của đêm nghệ thuật rất cảm xúc ngày 13/4 vừa qua, đêm diễn tiếp theo của vở kịch “Bóng rối” sẽ diễn ra vào ngày 19/4 tới đây tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Nguồn: Cafebiz.vn