Câu chuyện xin lời khuyên nên dành tiền tiết kiệm để đi du lịch hay tích góp 15 năm để mua được nhà của một gia đình có 3 thành viên vừa được đăng tải trong một group trên MXH đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ CĐM.
Mới đây, một tài khoản thành viên của group Vén Khéo đã đăng tải hoàn cảnh gia đình mình nói về mức thu nhập – chi tiêu và mục tiêu trong tiết kiệm và xin lời khuyên từ cộng đồng trong group về chi tiêu vén khéo cụ thể như sau:
“Mình năm nay 34 tuổi, chồng 40 tuổi, có một con nhỏ. Hai vợ chồng ở cùng cha mẹ. Thu nhập 2 vợ chồng tổng 17 triệu, chi tiêu 12 triệu, mỗi tháng còn dư được khoản 4,5 triệu tiết kiệm. Trung bình một năm tiết kiệm 50 triệu.
Nhưng mình có sở thích du lịch. Mỗi năm nhà mình đi chơi 1,2 chuyến, trong nước và nước ngoài. Mùa hè cho con đi resort vào dịp sinh nhật cháu. Nước ngoài là các nước láng giềng chi phí thấp như Thái Lan, Lào. Có năm đi ra miền Bắc chơi. Nên khoản tiết kiệm này hầu như hết.
Chồng mình bảo nên cắt khoản du lịch, để dành tiền mua đất mua nhà. Chứ đi chơi lãng phí mấy chục triệu. Mình thì không sắm sửa quần áo mĩ phẩm, không tiêu xài gì cá nhân. Chỉ có thích đi chơi đây đó, mỗi lần đi là cả nhà 3 người, thỉnh thoảng rủ thêm bà ngoại. Chồng mình không rượu chè cờ bạc hoặc tụ tập bạn bè, chi tiêu trong gia đình cũng tiết kiệm tối đa, không thể để dành nhiều thêm.
Mình và chồng đều không có khả năng kinh doanh, nên thu nhập không có gì đột biến, đều đều mỗi tháng chỉ cỡ đó. Nếu chịu khó tích cóp thì cỡ 15 năm mới mua được căn chung cư. Tới lúc mua được nhà có khi mình cũng không muốn đi đâu nữa. Mình không biết có phải mình nghèo mà xài sang, không biết tích luỹ không. Mỗi ngày mình đi làm 8,9 tiếng, về nhà mệt mỏi, chỉ mong kiếm được chút ít tiền đi đó đi đây trải nghiệm, đó là sở thích duy nhất từ thời sinh viên của mình. Nhưng nếu không tiết kiệm thì đúng là không bao giờ mua được căn nhà riêng cho bản thân, cả đời ở nhờ cha mẹ. Xin mọi người cho mình lời khuyên.”
Theo đó, hai vợ chồng trong câu chuyện là mẫu người sống rất tiết kiệm không có thú vui hay mua sắm hoang phí tuy nhiên cũng không có khả năng gia tăng thu nhập bằng việc làm thêm hay nghề tay trái. Cả gia đình 3 người chi tiêu hết 12 triệu và tiết kiệm được 5 triệu/tháng. Số tiền này được dùng để đi du lịch cho cả gia đình hàng năm và như vậy cả gia đình không còn bất kỳ một khoản tiết kiệm nào. Điều quan trọng là, hai vợ chồng chưa có nhà riêng và đang có mục tiêu để mua nhà nên cân nhắc có nên cắt khoản tiết kiệm dùng để du lịch hàng năm này không.
Với tình hình chi tiêu – tiết kiệm của hai vợ chồng trên, lời khuyên từ CĐM trong group chia thành nhiều ý kiến. Có người tính toán rằng, số tiền tiết kiệm không thể mua được nhà vì vậy, nên tiếp tục dùng để du lịch giúp cả gia đình gắn kết và có trải nghiệm cuộc sống thì hơn. Tuy nhiên cũng có ý kiến đó là, không thể dùng hết tiền tiết kiệm để đi du lịch vì cuộc sống còn nhiều phát sinh như ốm đau, cha mẹ già cần chi tiêu vẫn phải có khoản tiền phòng thân và người vợ nên cân nhắc nghe theo ý kiến của người chồng.
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, người vợ đang chi tiêu quá “sang” so với mức thu nhập gia đình khi đi du lịch ở nước ngoài. Có ý kiến còn đưa ra phương hướng sử dụng khoản tiết kiệm của người vợ, đó là chia khoản tiết kiệm này ra thành 3 phần – một cho vợ, một cho chồng, và một cho con để “Phần của chồng tiết kiệm sau cỡ 40-50 năm nữa mua đất, xây nhà cho ổng còn phần của con thì đầu tư cho bé học hành hoặc tiết kiệm sau này lấy vợ. Phần của chị thi chị có thể đi chơi cùng hội chị em bạn dì có cùng sở thích“.
Một số ý kiến nhận được nhiều tán thưởng của CĐM:
– Mỗi năm 50 triệu, 15 năm 750 triệu lấy đâu mà đủ mua nhà. Thôi cứ ở nhà bố mẹ đi, đi chơi cho sướng, cái gì không làm đc bỏ qua.
– Em cảm thấy đi du lịch cũng không sai, mà 50 triệu đến 15 năm nữa cũng không mua nổi nếu chỉ xác định lương như vậy thôi thì chị cứ ở vậy cho thoải mái.
– Lúc bố mẹ ốm đau, con cái ốm đau, có đi vay tiền người ta cũng cười cho, họ bảo có tiền 1 năm đi du lịch 2 lần, mà lúc con cái, bố mẹ ốm đau lại phải đi vay từng đồng, cho nên không có thì gác việc đi chơi lại, ăn uống thì tăng lên cho thoải mái, còn lại dắt lưng lúc con cái, bố mẹ ốm đau.
– Khoản đi du lịch em thấy thà không đi chứ quen chân là đi miết á. Với không mua nhà cũng nên có khoản tiết kiệm vì có nhiều việc xảy ra mình đỡ bỡ ngỡ. Nhiều khi không có tiền bất lực lắm.
– Sao chị xài sang vậy, một mình chồng em lương đã hơn hai vợ chồng chị cộng lại rồi chưa kể tiền em làm thêm buôn bán nữa mà ví dụ muốn đi gần gần như Đà Lạt thôi cũng phải tính toán chi tiêu cho hợp lí để không phải thiếu chỗ này hụt chỗ kia, để cho con nữa, đằng này chị đi cả Thái luôn. Thái Lan dù có rẻ hay ghép tour thì ít gì cũng 8-10 triệu trong người đi chơi mới thoải mái. Quá nể.
Nhìn chung, khi điều kiện kinh tế không cho phép, việc cân bằng giữa chi tiêu và thu nhập càng cần phải được tính toán chặt chẽ để đảm bảo an toàn tài chính gia đình vì cuộc sống luôn có biến động không thể ngờ được.
Đó cũng chính là lý do ở tất cả các quy tắc tài chính cá nhân (quy tắc 6 chiếc lọ/ quy tắc 50-30-20…) bắt buộc phải có mục: tiết kiệm tối thiểu từ 10%-15% tổng thu nhập và luôn phải dự phòng một quỹ khẩn cấp (có tài chính tối thiểu 6 tháng chi tiêu của cả gia đình).
(Theo Group Vén Khéo)
Nguồn: Cafebiz.vn