Chỉ bằng cách học cách tách bạch và giữ ranh giới của riêng mình, bạn mới có thể khiến các mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên tự do và suôn sẻ.
Nhà tâm lý học Adler tin rằng gốc rễ của mọi rắc rối của con người là mối quan hệ giữa các cá nhân.
Sở dĩ con người gặp rắc rối là vì họ không học được cách “tách bạch”, không phân biệt được việc của người khác và việc của mình. Rất nhiều khi, chúng ta can thiệp vào cuộc sống của người khác với “ý tốt”, luôn cố gắng đánh thức người khác và ngăn cản giúp họ không rơi vào cảnh bất hạnh.
Như mọi người đều biết, bạn không thể biết mọi thứ về người khác, liệu cách làm việc, khả năng ứng xử, thói quen suy nghĩ, v.v. của họ có những nguyên tắc riêng hay không.
Nếu chỉ phán xét người khác một cách mù quáng từ góc độ hẹp và quá can thiệp vào cuộc sống của người khác, bạn không chỉ cản trở từ trường của người khác mà còn khiến bản thân rơi vào những cảm xúc tiêu cực.
Chỉ bằng cách học cách tách bạch và giữ ranh giới của riêng mình, bạn mới có thể khiến các mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên tự do và suôn sẻ.
01
Cuộc đời của người khác, không cần bạn cứu
Hàng xóm của tôi, Ngô, là một người rất nhiệt tình, nhưng đôi khi, vì quá nhiệt tình, cô lại thường hay cho mình là thầy của người khác.
Cô thường khuyên người thân bán bảo hiểm của mình: “Tìm một nghề nào đó ổn định hơn đi.”
Cô không biết rằng người thân đó của mình phải một mình gánh vác gia đình và chăm sóc con cái. Công việc bán bảo hiểm có thời gian tự do và thu nhập khá là phù hợp nhất với người thân đó của cô. Chưa kể, người thân của cô khi đó đã là giám đốc nghiệp vụ, thu nhập của cô ấy cao hơn nhiều so với nhân viên bình thường của công ty.
Do thường xuyên bị Ngô kích động bằng lời nói, người họ hàng đã bỏ công việc nhân viên bán bảo hiểm và sớm rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể cân bằng giữa việc kiếm tiền và chăm sóc con, cuộc sống cũng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ đưa ra “lời khuyên” trong công việc của người thân, cô còn là “người cố vấn” cho đồng nghiệp. Cô thường khuyên nhủ một đồng nghiệp: “Công ty hiện tại hoạt động không tốt, chúng ta cũng nên tìm thêm một công việc nào đó để làm”. Dưới sự khuyến khích của cô, đồng nghiệp đã nhiệt tình bắt đầu khám phá “công việc phụ”.
Nhiều loại “chứng chỉ trình độ chuyên môn xx” và “chứng chỉ quản lý xx” phổ biến trên Internet, hứa hẹn đảm bảo đậu kỳ thi, đảm bảo việc làm sau khi hoàn thành khóa học và nhận trợ cấp của chính phủ.
Ngô thuyết phục đồng nghiệp của mình cùng nhau đăng ký thi, nói rằng thêm một kĩ năng, thêm một bát cơm sắt.
Cả hai đều không xác minh trình độ của công ty được quảng cáo nên đã chi 10 triệu để đăng ký kỳ thi “quản lý xx”.
Tuy nhiên, sau khi trả tiền, “giáo viên trường” chỉ liên hệ để gửi link khóa học để họ học và không hướng dẫn hay sát sao thêm bất cứ vấn đề gì.
Những lời hứa “bao đậu”, “cung cấp việc làm bán thời gian” và “nhận trợ cấp của chính phủ” đều đã biến mất. Việc bảo vệ quyền lợi trong giao dịch trực tuyến không phải là điều dễ dàng bởi lẽ người đăng kí không có đủ thông tin và không thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các kênh hợp pháp nên số tiền họ bỏ ra sẽ bị lãng phí. Ngô vô cùng hối hận, không chỉ bản thân bị lừa, cô còn kéo cả đồng nghiệp của mình xuống cùng.
Có một câu nói rất hay rằng: “Mọi thứ đều có vật chất và có trường năng lượng riêng. Đừng dễ dàng làm phiền từ trường của người khác và cũng đừng để người khác dễ dàng can thiệp vào từ trường của bạn.”
Bạn không phải là vị cứu tinh và không thể cứu sống người khác. Vấn đề cuộc sống của người khác cần phải được giải quyết bởi chính họ. Bạn có thể giúp đỡ nhưng đừng ép buộc hay can thiệp vào lựa chọn của họ.
“Lời khuyên và chiến lược” của bạn có thể không phù hợp với hoàn cảnh của người khác lúc đó.
Mỗi người đều có từ trường riêng, nó được tạo ra bởi niềm tin, giá trị và mưu cầu của mỗi người. Quá nhiều sự xao lãng và cám dỗ bên ngoài thường là thứ phá vỡ từ trường của chúng ta và khiến chúng ta bối rối. Có thể sống tốt cuộc sống của chính mình là điều trân quý biết bao.
02
Ôm lấy nhân quả của người khác chẳng khác nào làm tiêu hao bản thân
Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống tương tự hay chưa: Cha mẹ luôn nhân danh tình yêu mà can thiệp vào cuộc sống và công việc của bạn; Nhân danh tình bạn, bạn bè thường nhờ bạn giúp đỡ, nhưng nếu bạn không giúp được, họ sẽ cảm thấy bực bội; Nhân danh tình yêu, người yêu đòi hỏi từ bạn mà không hề đắn đo, khiến bạn kiệt sức. Rất nhiều nỗi đau đều bắt nguồn từ việc thiếu đi ranh giới. Một mối quan hệ dù thân thiết tới mấy cũng nên duy trì khoảng cách thích hợp. Nếu vượt quá giới hạn, bạn sẽ gánh chịu nhân quả của người khác và kết quả thường là tự làm khổ bản thân.
Tác giả Tsuneko đã kể câu chuyện của mình và chồng trong cuốn sách có tên “Nhân gian đáng giá”. Năm 27 tuổi, bà gặp chồng mình và họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Khi tình cảm ngày càng mãnh liệt, họ tiến tới hôn nhân mà không biết nhiều về thói quen sinh hoạt của nhau.
Sau khi kết hôn, Tsuneko phát hiện ra chồng mình là người nghiện rượu nặng. Ông đi uống rượu mỗi ngày sau khi tan làm và trở về trong tình trạng say khướt. Chồng của bà cũng tiêu tiền xa hoa và hào phóng với bạn bè nhưng lại thờ ơ với chi tiêu của gia đình. Tsuneko phàn nàn rất nhiều về điều này và cố gắng thuyết phục chồng thay đổi những thói quen xấu, thậm chí còn dọa ly hôn nhưng chồng bà vẫn không thể thay đổi được thói quen đó.
Có người từng nói, nỗ lực kém hiệu quả nhất trên đời là giảng đạo lý với người khác. Bạn càng nói nhiều đạo lý, người khác sẽ càng chán ghét và họ sẽ càng ít sẵn sàng giao tiếp với bạn hơn. Suy cho cùng, chồng bà đã quen với việc được tự do, bà càng muốn chồng thay đổi, ông sẽ càng nổi loạn. Vì thói quen sinh hoạt khác nhau nên họ thường xuyên cãi nhau, trạng thái tinh thần của bà Tsuneko ngày càng trở nên tồi tệ.
Tâm trạng không tốt khiến bà làm việc kém hiệu quả, mất động lực sống, biến mình thành một người phụ nữ luôn trực chờ để giận dữ, oán hận.
Một ngày nọ, bà tỉnh dậy và cảm thấy nếu cứ tiếp tục như vậy, bà không những sẽ không thể thay đổi được chồng mình mà còn khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên tồi tệ hơn. Thay vì tốn sức lực để thay đổi người khác, tốt hơn là nên tiết kiệm năng lượng cho chính mình.
Sau khi không còn bị ám ảnh bởi việc thay đổi chồng, Tsuneko phát hiện ra chồng của bà cũng có những ưu điểm của mình.
Mặc dù thích uống rượu nhưng kỹ năng xã hội của ông khá tốt và bạn bè xung quanh cũng rất quý mến ông.
Mặc dù thích tiêu tiền nhưng ông rất tốt bụng và thường giúp đỡ người khác mà không mong nhận lại bất cứ điều gì. Và gia đình nhỏ của họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ người khác nhờ sự tương tác xã hội rất tốt của chồng.
Tsuneko hiểu rằng: Thay vì dùng mọi cách có thể để thay đổi người khác và tự chuốc lấy rắc rối, tốt hơn nên tập trung vào điểm mạnh của người khác, cho họ một khoảng trống, và cũng cho bản thân mình một khoảng trống.
Một triết gia đã từng nói: “Hãy chấp nhận sự tồn tại của bất kỳ linh hồn độc lập nào. Ngay cả khi bạn không đồng tình với một phần nào đó trong đó, hãy cố gắng hiểu nó càng nhiều càng tốt”. Mỗi người đều có quyền lựa chọn hướng đi cho riêng mình.
Khi can thiệp vào nhân quả của người khác, bạn sẽ làm xáo trộn từ trường của chính mình và gánh chịu số phận của người khác.
Người thông suốt là người hiểu được rằng mỗi người đều có những vấn đề riêng của mình, thay vì can thiệp vào cuộc sống của người khác, chi bằng sống cho tốt cuộc sống của chính mình.
Đây là sự bảo vệ tốt nhất cho bản thân và là bí quyết quan trọng để duy trì các mối quan hệ tốt đẹp.
03
Đừng bao giờ để bất cứ ai can thiệp vào từ trường của bạn
Nhà văn Feng Tang nói: “Một người có thể đạt được bao nhiêu tùy thuộc vào năng lượng của người đó”. Khi ai đó liên tục phàn nàn với bạn, tâm trạng của bạn cũng sẽ dao động theo. Khi ai đó đòi hỏi quá nhiều ở bạn, bạn sẽ trở nên kiệt sức. Gánh lấy quá nhiều nỗi đau của người khác, từ trường của chính bạn sẽ bị xáo trộn và tổn hại nghiêm trọng.
Tu sĩ Phật giáo người Trung Quốc, Hoằng Nhất từng nói: “Đừng phản ứng với bất cứ điều gì có năng lượng tiêu cực. Nếu phản ứng, bạn sẽ vướng vào nó, và nếu bạn vướng vào, bạn sẽ phải gánh chịu sự tổn hại tới từ nó”.
Mỗi người đều có con đường riêng để đi. Không ai có thể luôn ở bên ai đó và xóa tan mọi trở ngại cho người khác.
Việc của chúng ta là thực hiện nghĩa vụ của mình, những việc còn lại, hãy để những người khác tự mình giải quyết.
Chỉ bằng cách ổn định tâm trí, quản lý năng lượng của bản thân và kiểm soát từ trường của chính mình, bạn mới có thể thoát khỏi sự can thiệp của từ trường tiêu cực của người khác và đưa cuộc sống của bạn theo hướng tích cực.
1. Duy trì ý thức về ranh giới
Nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng Susan Forward cho biết: “Thế giới nội tâm của mỗi người đều có trật tự cụ thể của riêng nó. Việc thiết lập ranh giới tâm lý không phải là ích kỷ mà là để việc của bạn thuộc về bạn, việc của tôi thuộc về tôi”.
Thật vậy, bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào cũng không thể được duy trì nếu không có một ranh giới ở giữa.
Thân thiết nhưng cũng cần biết khi nào nên tiến khi nào nên lui một cách khéo léo, duy trì ý thức về ranh giới là những điều kiện tiên quyết quan trọng cho một mối quan hệ lâu dài.
Việc đặt ra những ranh giới lành mạnh giúp chúng ta cảm thấy yên bình, bình tĩnh và khiến chúng ta ít có khả năng làm mất lòng người khác.
Dù đối với bản thân hay với những người xung quanh, đây là thái độ có trách nhiệm, có mức độ thân mật và tôn trọng lẫn nhau nhất định.
2. Ổn định tinh thần
Franklin từng nói: “Một quả táo thối có thể làm hỏng cả một giỏ táo”.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp phải một số “quả táo thối”:
Khi gặp vấn đề, họ sẽ tràn đầy năng lượng tiêu cực và coi bạn như một chiếc “thùng rác tình cảm”.
Khi thấy người khác làm tốt, họ ghen tị và nói xấu sau lưng.
Đối mặt với những người và những thứ đang tiêu hao bạn, nếu tinh thần cốt lõi không ổn định, cảm xúc của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi là “năng lực phi chỉnh hợp”, dùng để chỉ khả năng chịu đựng sự phức tạp về nhận thức và cảm xúc.
Người sở hữu năng lực này thường sống tỉnh táo, minh bạch, ít bị bối rối, lung lay.
Vì họ sống một cách thông suốt nên từ trường của họ sẽ không bị người khác quấy rầy, họ có thể sống một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc.
3. Duy trì từ trường dương
Kazuo Inamori từng nói: “Bản thiết kế bạn vẽ ra trong đầu sẽ quyết định bạn sẽ trải qua phần đời còn lại như thế nào”.
Mỗi người đều có từ trường, những người sở hữu từ trường tích cực có thể mang lại may mắn cho bạn và cho phép bạn gặp được những người tốt và những điều tốt đẹp, bởi vì một từ trường tốt sẽ thu hút những người có cùng tần số với bạn.
Khi một người biết đối xử tử tế với bản thân, làm giàu tâm hồn, quan tâm đến cảm xúc, cảm thấy dễ chịu trong lòng, chín chắn, hoàn toàn chấp nhận bản thân và nhìn nhận bản thân một cách lạc quan, những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ vây quanh người đó.
Đây cũng chính là ý tưởng cốt lõi của “Luật hấp dẫn”:
Suy nghĩ là một loại lực và là biểu hiện của năng lượng. Nó có từ tính. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan sẽ tạo ra một “từ trường tiêu cực”, khiến cuộc sống cảm thấy không như ý và mất đi hy vọng, động lực.
Một tâm hồn tích cực và cởi mở sẽ tạo ra “từ trường tích cực” và khiến con người yêu đời hơn.
Hãy duy trì một ý thức về ranh giới, không tùy ý can thiệp vào từ trường của người khác, xâm phạm cuộc sống của người khác một cách bừa bãi và không để người khác làm phiền tới từ trường của chính bạn.
Từ trường tích cực của bạn sau cùng sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi những điều không may và mang lại may mắn cho bạn.
Nguồn: Cafebiz.vn