Chắc hẳn bạn đã rất nhiều lần cầm điện thoại Android hoặc iPhone lên, nhấn và giữ nút nguồn với hy vọng máy sẽ tắt. Nhưng máy chẳng những không tắt mà còn hiện lên loạt menu kỳ lạ.
Vì sao nút nguồn mỗi máy một khác?
Ngay từ những chiếc Nokia của năm 2002, điện thoại di động đã có một công nghệ tuyệt vời, trực quan và đơn giản để bật hoặc ngắt kết nối, thứ mà chúng ta gọi là nút nguồn.
Khi Nokia tắt, chỉ cần nhấn nút nguồn trong vài giây để bật nó lên. Hoặc ngược lại, khi máy đang bật, nhấn nút nguồn trong vài giây để tắt. Đây là thao tác cực kỳ nhanh gọn và dễ dàng.
Mọi thiết bị điện tử trước đây đều có cách mở/tắt điện thoại bằng nút nguồn trực quan đến nỗi không cần phải là người quá am hiểu công nghệ như người già, trẻ nhỏ, cũng hiểu được nút này có chức năng gì.
Chỉ vài thập kỷ sau, hành vi đơn giản và tinh tế của nút nguồn đã bị đàn áp. Đột nhiên, phím bật/tắt đáng tin cậy này không còn đơn thuần như vốn có nữa; nó trở thành nút kích hoạt trợ lý giọng nói, thanh toán không tiếp xúc, điều khiển nhà thông minh hoặc thậm chí là vô vàn thứ khác.
Trong quá trình vội vã chuyển sang màn hình cảm ứng và thiết bị điện tử dựa trên màn hình, mọi công ty đều từ bỏ tính đơn giản của các nút bấm. Sau đó, khi nhận thấy chẳng còn nút bấm vào trên thiết bị ngoài nút nguồn, họ đã buộc nó phải trở nên phức tạp hơn nhiều và khiến người dùng cũng trở nên bối rối khi sử dụng.
Chắc hẳn bạn đã rất nhiều lần cầm điện thoại Android hoặc iPhone lên, nhấn và giữ nút nguồn với hy vọng nó sẽ tắt hoặc khởi động lại, để rồi chỉ nhận về là màn hình mở lên những menu kỳ lạ, yêu cầu bạn lựa chọn các tác vụ không liên quan.
Trong sự bực bội, bạn bắt đầu thử các tổ hợp khác nhau: nguồn cộng với tăng âm lượng, nguồn cộng với giảm âm lượng, giữ nguồn trong năm giây, trong đầu thầm cầu nguyện vị thần công nghệ sẽ giúp mình mau chóng tắt hộ chiếc điện thoại này. Vậy mà nó vẫn trơ trơ.
Có nút nguồn mà sao phải tắt nguồn bằng cách khác?
Công bằng mà nói, chúng ta ngày nay ít khi tắt nguồn thiết bị, có khi phải đến vài tuần, thậm chí vài tháng hoặc cả năm. Nhưng vấn đề là với một tính năng đơn giản như vậy, có lẽ các nhà sản xuất nên để nó “luôn đơn giản” ở mọi lúc, mọi nơi.
Mỗi người có thể sử dụng điện thoại của những thương hiệu khác nhau. Khi bạn bè và thành viên gia đình của bạn gặp sự cố trên thiết bị. Họ hỏi bạn cách khắc phục. Bạn trả lời là thử tắt máy xem sao, nhưng họ lại bảo là “tôi ấn nút tắt nguồn rồi mà máy không tắt”.
Và đến lúc ấy, bạn và người thân của mình càng bực bội hơn khi phải đánh vật với chiếc điện thoại đang gặp lỗi mà không biết tắt thế nào.
Thật kỳ quái khi bạn nhấn nút nguồn trên mỗi thiết bị có thương hiệu khác nhau, kết quả cũng khác nhau.
Google Pixels khởi chạy Assistant hoặc Gemini khi nhấn và giữ nút nguồn. Để tắt điện thoại, bạn thêm một bước cồng kềnh hơn là nhờ trợ lý ảo tắt hộ. Lúc ấy trợ lý ảo mới thả xuống thanh thông báo để truy cập menu nguồn hoặc tìm hiểu tổ hợp phím tắt của nút nguồn và nút âm lượng để tắt máy.
Điện thoại Galaxy của Samsung cũng gọi trợ lý ảo Bixby bằng nút nguồn theo mặc định. Một lần nữa, bạn lại phải nhờ đến Bixby để tắt điện thoại. Hoặc nếu không thì phải vào menu để thay đổi chức năng mặc định của nút.
Còn với iPhone hiện đại, nút nguồn cũng đã bị Siri chiếm chỗ. Nhưng tệ hơn là không thể thay đổi chức năng tắt nguồn như Android. Để tắt iPhone, bạn phải tìm menu Tắt máy trong cài đặt hoặc tìm hiểu một tổ hợp phím tắt khác với nút nguồn và nút âm lượng.
HONOR sử dụng một phím tắt đơn giản để tắt điện thoại — nhấn và giữ nút nguồn – nhưng phải là trong năm giây, lâu hơn nhiều so với hai giây thông thường, sai lệch là máy không tắt.
Rắc rối hơn, nhiều hãng điện thoại không gọi là nút nguồn mà gọi là nút bên, một số yêu cầu dùng thao tác cử chỉ để tắt máy, số khác thì yêu cầu vào cài đặt. Thật điên rồ.
Công nghệ giúp mọi thứ trở nên tiện dụng hơn, giúp con người xử lý mọi thứ nhanh gọn và dễ dàng hơn, nhưng rất khó hiểu khi nút nguồn lại trở nên phức tạp như vậy. Có lẽ các nhà sản xuất nên để cho nút nguồn làm đúng với vai trò dễ hiểu và đáng tin cậy của nó: Bật điện thoại, tắt điện thoại, bật màn hình, tắt màn hình.
Có thể thêm vào thao tác nhấn hai lần để khởi chạy máy ảnh hoặc ứng dụng khác, nhưng rắc rối hơn thì thôi.
Nguồn: Cafebiz.vn