Sau 8 năm đi làm, giật mình phát hiện ra mình chỉ có đúng 7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản: Lương cao, tiêu ít, vậy tiền đã đi đâu?

Đúng là tuổi trẻ, ai cũng có một thời mù tịt về cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm.

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một chàng trai đã kể về khoảng thời gian “tiền cứ vỗ cánh khỏi túi” mà chính bản thân anh cũng chẳng rõ vì sao. Đến giờ này, khi đã trưởng thành và nhìn lại mình của những ngày “mù tịt kiến thức”, anh mới nhận ra những bài học đắt giá.

Sau 8 năm đi làm, giật mình phát hiện ra mình chỉ có đúng 7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản và vài triệu tiền mặt

Trong bài tâm sự của mình, chàng trai này có viết: “Từ năm 2009, tôi xa quê, khăn gói lên Sài Gòn theo đuổi giấc mơ đại học. Ròng rã 8 năm, từ 2012 đến 2019, tôi làm việc chăm chỉ, vừa dạy vừa học (ngành 2 và cao học). Rồi một ngày đẹp trời năm 2019, khi nhìn lại, tôi giật mình phát hiện mình chỉ có đúng 7 chỉ vàng, hơn 5 triệu trong tài khoản và vài triệu tiền mặt trong ví!

Sau 8 năm đi làm, giật mình phát hiện ra mình chỉ có đúng 7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản: Lương cao, tiêu ít, vậy tiền đã đi đâu?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Điều này đã khiến tôi thấy hoang mang về con đường sự nghiệp và tài chính của mình.

Tại sao tôi chỉ tiết kiệm được 7 chỉ vàng sau 8 năm làm việc? Trong khi thu nhập tôi đâu phải thấp! Tôi nhớ hồi 2012, tuy chưa ra trường, nhưng tôi đã “đi cày” với thu nhập 7-8 triệu/tháng. Chi phí học tập của tôi rất ít, vì ngành Sư phạm nên được miễn học phí.

Tôi đã làm gì sai trong việc chi tiêu và tiết kiệm? trong khi bản thân hầu như không nhậu nhẹt, không cờ bạc, và cũng xài tiết kiệm lắm mà! Tiền đã đi đâu?

8 năm qua là 7 chỉ vàng, liệu 8 năm tới sẽ ra sao? 16 năm tới sẽ ra sao? Nếu tiếp tục như thế này, tôi sẽ sống như thế nào khi về già?

Với sự hoang mang và bất an này, tôi quyết định phải hành động tìm kiếm giải pháp ngay lập tức. Tôi bắt đầu nghiên cứu và học hỏi về quản lý tài chính cá nhân, từ các sách vở, khóa học đến các chuyên gia tài chính.

TRỜI KHÔNG PHỤ LÒNG NGƯỜI! Sau hơn 2 năm “lên rừng xuống biển”, sưu tầm một kho kiến thức Tài chính cá nhân, từ Internet, từ sách, và một số người thầy, tôi rốt cuộc cũng đã … xóa hết tất cả chúng! Không phải vì chúng không có giá trị, mà là tại tôi! Tôi chưa áp dụng được những gì mình học, dù có cả kho kiến thức!

Tôi “đốt” hết cái kho lý thuyết ấy! Rồi quyết định lấy ra một quyển sổ nhỏ, ra ngồi một góc ở quán café (ít người) tự hỏi mình:

Cái gì còn đọng lại trong đầu tôi? Thử viết ra xem!

Mớ kiến thức nào chỉ để “trang trí cho đẹp” hay chỉ để “lý luận cho vui”?

Điều gì thực sự là để áp dụng? và áp dụng như thế nào?

Cuối cùng thì cũng chỉ còn trên dưới 1 trang giấy (khổ A5). Rốt cuộc cũng thở phào một cái! Nhẹ nhõm! Cảm giác như một căn phòng đầy vật dụng, nay đã bị đem vứt hết, chỉ còn lại chiếc laptop, bàn làm việc, cây đàn ghi-ta! Thật là thoáng mát và rộng rãi!”

Thấy được gì từ tâm sự của chàng trai này?

“7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản và vài triệu tiền mặt” đương nhiên không phải một số tiền nhỏ, nhưng so với 8 năm đi làm cộng thêm việc lương cao và nhu cầu chi tiêu không nhiều, rõ ràng, câu chuyện sẽ rất khác.

Dù không chia sẻ cụ thể, tường tận giải pháp khắc phục tình trạng chẳng hiểu “tiền đã đi đâu mất” để mọi người tham khảo, nhưng những lời tâm tình của chàng trai này cũng truyền tải không ít bài học.

1 – Tiết kiệm nửa vời thì đừng mơ có tiền có của

“7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản và vài triệu tiền mặt” từ đâu mà có? Chắc chắn là từ tiền lương hay nói cách khác chính là quá trình tích lũy, tiết kiệm. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lại một nữa rằng chàng trai này đã khẳng định bản thân không nhậu nhẹt, không cờ bạc, và chi tiêu rất tiết kiệm. Chưa kể, 12 năm trước mà lương đã 8 triệu/tháng là khá cao chứ không hề thấp.

Sau 8 năm đi làm, giật mình phát hiện ra mình chỉ có đúng 7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản: Lương cao, tiêu ít, vậy tiền đã đi đâu?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Vậy mà sau 8 năm đi làm, tất cả tài sản chỉ gói gọn trong “7 chỉ vàng, 5 triệu trong tài khoản và vài triệu tiền mặt”, rõ ràng, lý do duy nhất chỉ có thể gói gọn trong 4 từ: Tiết kiệm nửa vời.

Bạn có thể luôn cảm thấy bản thân chẳng tiêu gì quá trớn, cũng cố gắng tiết kiệm lắm rồi, nhưng có thể đó chỉ là những dòng suy nghĩ tự đánh lừa bản thân thôi. Tiền trong tài khoản, tài sản trong tay mới là bằng chứng đanh thép nhất cho thói quen tiết kiệm cũng như cách chi tiêu của mỗi người.

Vâỵ nên mới nói tiết kiệm nửa vời, ừ thì cũng có dư chút ít đấy, nhưng để đạt tới trạng thái có tiền có của hay nói cách khác là có tài sản lớn, thì còn khướt.

2 – Không ai có thể mách cho bạn cách tiết kiệm, quản lý chi tiêu hiệu quả

Liệu đã bao giờ bạn thắc mắc tự hỏi: “Tại sao trên đời lại có lắm quy tắc, lắm phương pháp quản lý chi tiêu thế nhỉ? Một phương pháp, một quy tắc thôi mà hiệu quả, có phải tốt hơn không?”.

Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Vì mỗi người sẽ có một thói quen chi tiêu, một lối suy nghĩ và những mục tiêu tài chính khác nhau trong cuộc sống. Một phương pháp, một quy tắc không thể phù hợp với tất cả mọi người.

Thế nên chỉ có bạn mới là người có thể tìm ra cách tiết kiệm, quản lý chi tiêu hiệu quả nhất cho riêng mình. Ai may mắn thì thử phương pháp đầu tiên đã trộm vía rất hợp, nên cứ thế mà áp dụng. Có người thử hết cách này đến cách khác, mới hiểu ra kho tàng kiến thức ấy chỉ có một vài thứ phù hợp với mình. Việc của mình là tìm hiểu, nhặt nhạnh và gom chúng lại thành một thứ mới, hợp với mình.

Chàng trai trong câu chuyện phía trên cũng vậy. Mất hơn 2 năm “lên rừng xuống biển”, sưu tầm một kho kiến thức tài chính cá nhân từ mọi nơi, mọi người để rồi nhận ra mình vẫn phải là người “tự tìm cách” chứ chẳng học mót được của ai.

Nguồn: Cafebiz.vn