Nếu nhận được câu hỏi này trong buổi phỏng vấn xin việc, bạn sẽ có cách trả lời như thế nào?
Bài chia sẻ của một tác giả được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
***
Một công ty đang tuyển dụng vị trí nhân viên kinh doanh, có 4 ứng viên đã vào đến vòng phỏng vấn cuối. Trong vòng này, mọi người đều trả lời các câu hỏi từ nhà tuyển dụng một cách rất cẩn thận.
Bất ngờ, một nhà tuyển dụng nữ bỗng nhiên tỏ ra đau bụng và nói: “Tôi bị đau bụng, có ai có thể giúp tôi lấy cốc nước nóng được không?”. Trước tình huống bất ngờ này, 4 ứng viên đã có những phản ứng hoàn toàn khác nhau.
Người đầu tiên là một cô gái trẻ mới tốt nghiệp. Nghe thấy yêu cầu, cô lập tức đứng dậy mà không do dự một giây nào.
Cô vừa nói “Vâng, không có vấn đề gì, em sẽ rót nước cho chị ngay”, vừa vội vã đi tìm cây nước nóng. Khi tìm được cây nước, cô phát hiện không có cốc giấy, nên lại vội chạy về tìm cốc. Cuối cùng cũng mang được cốc nước nóng đến. Kết quả không có gì ngạc nhiên, cô là người đầu tiên bị loại.
Người thứ hai là một người đàn ông trung niên điềm tĩnh. Anh nói một cách rất tự nhiên: “Vợ tôi cũng hay bị đau bụng như vậy, tôi sẽ lấy ngay cho chị cốc nước nóng”. Sau đó, anh từ tốn đi lấy cốc nước, khi đưa cho nhà tuyển dụng, anh còn chu đáo nói thêm: “Tôi khuyên chị nên dán một miếng cao dán ấm, nó sẽ giúp giảm đau bụng”. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề của anh cũng không làm hài lòng nhà tuyển dụng.
Người thứ ba là một ứng viên nữ có nhiều kinh nghiệm. Cô ngay lập tức nói: “Vâng, chị đợi một chút”. Cô nhanh chóng đứng dậy, cầm lấy cốc giữ nhiệt của nhà tuyển dụng, đi thẳng đến máy nước nóng để lấy một cốc nước. Hành động chính xác, không sai sót, cho thấy cô đã quan sát trước cách bố trí của văn phòng và chuẩn bị tốt để ứng phó với tình huống bất ngờ. Thái độ của cô không giữ được sự cân bằng, thể hiện phong thái của người chuyên nghiệp. Đáng tiếc là, cô cũng không được tuyển dụng.
Người thứ tư là nam ứng viên trẻ tuổi. Trước tiên, anh suy nghĩ trong vài giây, sau đó hỏi:
“Không biết nguyên nhân gây ra đau bụng của chị là gì? Nếu chỉ là đau bụng khi đến kỳ, em sẽ pha cho chị một tách trà gừng. Nếu là cơn đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân, em sẽ nhanh chóng đưa chị đến bệnh viện, vì sỏi thận, viêm dạ dày… và các vấn đề khác đều có thể gây ra đau bụng, tình trạng có thể nguy hiểm. Tùy theo từng tình huống mà em sẽ có những biện pháp xử lý khác nhau”.
Chỉ bằng vài câu đơn giản, anh đã thể hiện được khả năng tư duy, EQ cao, sự tỉ mỉ, chu đáo và phép lịch sự khi đối xử với người khác. Sau đó, anh đã được nhà tuyển dụng lựa chọn.
Phải thừa nhận rằng, phản ứng đầu tiên của một người khi gặp các tình huống tiết lộ học thức, tầm nhìn, phẩm chất và sự tu dưỡng của họ. Và chính phản ứng này cũng quyết định con đường và tầm cao trong cuộc sống của họ.
01.
Trong tâm lý học có một lý luận kinh điển gọi là: lý thuyết cấu trúc cá nhân. Nhận thức của một người là một khái niệm được hình thành bởi kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm, suy nghĩ, kỳ vọng trong quá khứ…
Và phỏng vấn chính là cách nhanh nhất để hiểu về nhận thức của một người. Bạn là người điềm tĩnh hay linh hoạt, có suy nghĩ phiến diện hay toàn diện, sáng tạo hay chỉ tuân theo lối mòn – tất cả đều có thể thể hiện rõ ràng qua phản ứng đầu tiên của bạn trước một vấn đề nào đó.
Một người từng đăng bài viết lên MXH và đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để chia 5 cốc nước cho 6 vị lãnh đạo?”.
Nhiều người đưa ra ý kiến khác nhau, đằng sau các câu trả lời đa dạng đó lại là những cấp độ xử lý khác nhau của mỗi người. Có người nói rằng giải quyết vấn đề này đơn giản, tôi sẽ đặt mỗi cốc nước giữa 2 vị lãnh đạo, để họ tự chọn. Nhưng nhiều có kinh nghiệm hơn trong môi trường công sở cho rằng cách làm này là không nên.
Có người nói, trên bàn có 5 cốc nước, mà có 6 lãnh đạo đến, cách giải quyết trực tiếp nhất là đi lấy thêm một cốc nước. Nhiều người khác lại cho rằng làm vậy không chỉ làm xáo trộn trật tự hiện tại, mà còn để lộ ra sự chuẩn bị không chu đáo của bản thân hoặc đồng nghiệp.
Có người bắt đầu phàn nàn: “Công ty mà đến chuyện chia nước cũng thành vấn đề thì làm gì mà phải ở lại?”
Tuy nhiên, phương án được nhiều người công nhận nhất vẫn là phương án: “Vì dịch bệnh, tốt nhất nên uống nước đóng chai, sau đó lựa thời cơ bỏ 5 cốc nước đi”. Lúc đó, đang là thời điểm có dịch bệnh.
Điều này không chỉ giải quyết được vấn đề mà còn tránh được tình huống khó xử. Bạn thấy đấy, cùng một việc nhưng phương pháp giải quyết khác nhau thể hiện các cấp độ tư duy khác nhau.
Các cấp độ tư duy khác nhau, thể hiện sự chênh lệch về năng lực. Trong cuộc phỏng vấn, điều quan trọng là cách bạn trả lời câu hỏi phỏng vấn, xử lý vấn đề. Qua đây, nhà tuyển dụng có thể đánh giá tổng thể về con người bạn, cách bạn xử lý công việc, trải nghiệm, nhân sinh quan và tính cách của bạn. Những cuộc “phỏng vấn” không chỉ xuất hiện ở nơi làm việc, mà còn trong các tình huống trong cuộc sống.
02.
Quay lại câu chuyện phỏng vấn ban đầu, tại sao 3 ứng viên đầu tiên bị loại?
Một HR dày dặn kinh nghiệm đã nói: “Đối với vị trí nhân viên kinh doanh, ứng viên cần phải có khả năng diễn đạt, khả năng ứng biến, sự nhạy bén, hiểu biết, sự đồng cảm và khả năng giải quyết vấn đề. Cần phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giúp họ giải quyết vấn đề để đạt được lợi ích đôi bên.”
Ứng viên thứ hai, mặc dù rất quan tâm khi đề nghị nữ phỏng vấn viên sử dụng miếng dán ấm, nhưng lại thiếu khả năng suy xét.
Ứng viên thứ ba, mặc dù có thể quan sát từ trước và hành động, nhưng lại không đưa ra được phương án đa chiều.
Còn về ứng viên nữ đầu tiên, vì thiếu kinh nghiệm, nên đã để lộ sự rụt rè, lúng túng, và không đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong môi trường làm việc. Vậy thế nào để trở thành ứng viên có cách ứng xử như ứng viên thứ tư?
Hãy để tôi kể thêm một câu chuyện khác. Năm 2009, một chàng trai trẻ 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp ĐH đã bắt đầu làm việc tại một công ty với vị trí trợ lý tư vấn. Cậu làm việc chăm chỉ và là người đầu tiên trong nhóm thực tập sinh được chính thức tuyển dụng, có nhóm khách hàng riêng của mình.
Khi đã tự tin với năng lực của bản thân bản thân, cậu quyết định từ chức và khởi nghiệp. Bắt đầu tự kinh doanh, cậu mới nhận ra rằng mình không có nền tảng, không có nguồn lực, ngoài khả năng chịu khó, cậu không có lợi thế nào khác.
Nhận ra điều này, cậu điều chỉnh lại hướng đi sự nghiệp của mình, tăng cường học hỏi, xây dựng thương hiệu cá nhân, nâng cao năng lực bản thân… Chỉ trong vài năm, cậu đã trở nên rất thành công.
Sau này, cậu đưa ra lời khuyên: Muốn phát triển thành công hơn, phải học cách quản lý bản thân.
Quản lý “sản phẩm” của bản thân: Tạo ra lợi thế tuyệt đối “Tôi có những gì người khác không có”.
Quản lý danh tiếng của bản thân: Không mưu cầu lợi ích ngắn hạn, sự chân thành và đáng tin cậy luôn là những điều tốt nhất.
Quản lý nhận thức của bản thân: Kiếm tiền bằng nhận thức, chủ động trau dồi, suy nghĩ nhiều hơn, học hỏi từ những người giỏi.
Quản lý năng suất của bản thân: Kết hợp giữa tư duy và hành động, hành động nhất quán với kiến thức. Bằng cách phát triển bản thân về mọi mặt, bạn sẽ có được tư duy như ứng viên thứ tư.
03.
Có người hỏi: “Làm thế nào để nhìn thấu con người thật của một người?” Câu trả lời tôi tâm đắc nhất là: “Hãy nhìn phản ứng đầu tiên của họ khi gặp sự cố”.
Cuộc sống không có buổi diễn tập nào, mỗi ngày đều là những tình huống trực tiếp cần xử lý. Không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp phải nhiều tình bất ngờ. Những người khác nhau sẽ có cách giải quyết khác nhau. Trình độ thực sự của một người nằm ở phản ứng đầu tiên của người đó trước các vấn để.
Theo Toutiao
Nguồn: Cafebiz.vn