Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà hoàng đế từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử

“Đem các bức tranh này cất ở trong cái hộp niêm phong thật kín. Nếu như sau này có ai nhìn thấy thì phải lăng trì xử tử”, vua Càn Long dặn dò con trai Gia Khánh trước khi qua đời.

Càn Long Hoàng đế, húy là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (1711 – 1799), sinh ra khi Khang Hy còn ở ngôi, là Hoàng tử thứ tư của Ung Chính.

Khi Càn Long tại vị, một vị quan là Lang Thế Ninh khi vào cung từng thấy cảnh vua cùng các phi tần vui đùa.

Càn Long liền hỏi ông: “Khanh thấy trong các nàng ai là đẹp nhất?”. Lang Thế Ninh đỏ mặt trả lời: “Phi tần của Hoàng thượng vị nào cũng đẹp.”

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 1.

Chân dung Càn Long đế

Sau đó, Lang Thế Ninh phụng mệnh vua vẽ lại bức họa của 11 vị phi tần, đặt tên là “Tâm viết trì bình”.

Đến khi hoàn thành, Càn Long cực kỳ hài lòng. Ông coi đó là báu vật và cất giấu không muốn cho ai biết. Cả đời Càn Long cũng chỉ xem qua những bức tranh này 3 lần là lúc mới vẽ xong, trong tiệc đại thọ 70 tuổi và lúc ông giao lại bức tranh cho con trai là Hoàng đế Gia Khánh cất giữ.

Trước khi chết, Càn Long đã cẩn thận gọi Gia Khánh đến gặp mình và dặn dò: “Đem các bức tranh này cất ở trong cái hộp niêm phong thật kín. Nếu như sau này có ai nhìn thấy thì phải lăng trì xử tử”. Gia Khánh đế không dám trái ý vua cha nên đã giấu hộp đựng tranh trong vườn Viên Minh. Sau này vườn Viên Minh bị liên minh 8 nước phá hủy, bức tranh cũng bị lưu lạc đến bảo tàng mỹ thuật ở Mỹ và cho đến tận vài năm gần đây mới chính thức được hé lộ.

Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát Thị

Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát Thị là thê tử nguyên phối của Càn Long khi ông còn là Hoàng tử. Hoàng hậu là người gốc Mãn tộc. Phụ thân Phú Sát thị là tổng quản Lý Vinh Bảo, em trai ruột là Đại học sỹ Phó Hằng.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 2.

Phú Sát thị sinh vào ngày 22/2 năm Khang Hy thứ 51 (1712) âm lịch. Vào năm Ung Chính thứ năm (1727), bà chỉ hôn cho hoàng tử thứ tư Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (Càn Long) khi mới vừa tròn 16 tuổi.

Năm bà 25 tuổi, thái tử Hoằng Lịch đăng cơ, Phú Sát thị lên ngôi hoàng hậu, hai năm sau, lễ tấn phong được cử hành chính thức.

Bức chân dung của hoàng hậu được Họa viện vẽ trong vòng một năm kể từ ngày bà được tấn phong (26 tuổi).

Bà sinh được bốn người con: Hai hoàng tử và hai công chúa. Trong số đó, sau này chỉ còn lại duy nhất một công chúa còn sống và được sắc phong.

Tháng 2 năm Càn Long thứ 13, Càn Long phụng mệnh Thái hậu dẫn theo hoàng hậu đi tuần Giang Nam. Tuy nhiên trong chuyến đi này, Hoàng hậu đột ngột lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 37.

Tuệ Hiền Hoàng quý phi

Tuệ Hiền Hoàng quý phi vốn họ Cao thị, xuất thân từ tầng lớp bao y (nô tài phục vụ riêng cho Tương Hoàng kỳ). Dù gia tộc không thuộc hàng hiển hách nhưng vẫn có chức quyền. Tuy nhiên vì xuất thân bao y nên ban đầu bà chỉ được Ung Chính tuyển vào phủ của Bảo thân vương Hoằng Lịch để hầu hạ, phong làm sử nữ. Sau đó Ung Chính mới thăng bà lên làm Trắc Phúc tấn.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 3.

Dù xuất thân không cao nhưng Cao Thị vẫn rất được Càn Long sủng ái. Sau khi đăng cơ, ông đã phong bà làm Quý phi, cũng nâng gia tộc Cao thị vốn làm bao y lên thành Tương Hoàng kỳ. Bà là người duy nhất được phong làm Quý phi lúc bấy giờ và địa vị chỉ dưới Hoàng hậu. Năm Càn Long thứ 10, Cao thị bị bệnh nặng nên được Càn Long nâng lên thành Hoàng quý phi và mất sau đó vài ngày. Khi đó bà chỉ mới 24 tuổi.

Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị

Thuần phi, sau này là Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị, còn gọi là Tô Giai thị. Bà là con gái của Tô Triệu Nam.

Bà sinh vào ngày 21 tháng 5 năm Khang Hy thứ năm mươi ba (1713), sau này đến tuổi trưởng thành mới vào hầu hạ Càn Long.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 4.

Sau khi đăng cơ, Càn Long sắc phong bà là “Thuần tần”. Tháng 12 năm Càn Long thứ 2, Tô Giai thị được sắc phong làm “Thuần phi”. Bức họa chân dung của bà được vẽ sau khi tấn phong.

Tháng 11 năm Càn Long thứ 10, Thuần phi được tấn phong làm Quý phi. Vào tháng tư năm Càn Long thứ hai mươi lăm, bà tiếp tục được phong làm Hoàng Quý phi. Cũng trong năm đó, Thuần Huệ Hoàng Quý phi qua đời, hưởng thọ 48 tuổi.

Tô Giai thị sinh được hai hoàng tử và một công chúa. Con trai thừa tự của bà là hoàng tử Vĩnh Dung, người giỏi thi thơ, hội họa, rành thiên văn, toán học.

Con gái duy nhất của bà sau này được gả cho cháu ruột của Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu là Thượng thư Phước Long An.

Thục Gia Hoàng Quý phi Kim thị

Gia phi – tức Thục Gia Hoàng Quý phi Kim thị. Bà là con gái của Thượng Tứ Viện Khanh Kim Tam Bảo, em gái của Lễ Bộ Thượng thư Kim Giản.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 5.

Cũng như Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị, lúc đầu gia đình bà cũng xuất thân là “bao y” thấp kém, sau này được được ban họ Kim Giai, nhập tịch vào Mãn tộc.

Khi mới vào cung, Kim thị được phong làm Quý nhân. Tháng 12 năm Càn Long thứ 2 (1737) bà được phong là “Gia tần”.

Năm Càn Long thứ tư, Kim thị hạ sinh tứ Hoàng tử Vĩnh Thành. Sau đó, vào tháng năm Càn Long thứ sáu, bà được tấn phong làm “Gia phi”. Bức họa chân dung của bà cũng được vẽ vào thời điểm tấn phong này.

Năm Càn Long thứ 11 (1746), Gia phi tiếp tục hạ sinh bát hoàng tử. Sau đó một năm, Cửu Hoàng tử lại ra đời.

Vào năm Càn Long thứ 13 (1748), bà được tấn phong làm “Gia Quý phi”. Sau đó vào năm Càn Long thứ mười bảy (1751), bà sinh hạ Thập nhất Hoàng tử.

Tới năm Càn Long thứ 20 (1755), Kim thị qua đời ở tuổi 40, được truy phong là “Thục Gia Hoàng Quý phi”.

Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu Ngụy thị

Lệnh phi là mẹ đẻ của Hoàng đế Gia Khánh. Bà xuất thân từ gia tộc Ngụy thị do Chính hoàng kỳ bao y quản lý. Sau này khi Gia Khánh đế đăng cơ, ông đã nâng gia tộc bên ngoại thành Tương Hoàng kỳ, đổi họ thành Ngụy Giai thị. Bà cũng được con trai truy phong làm Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 6.

Bà nhập cung với thân phận là cung nữ. Năm Càn Long thứ 10, bà được sủng hạnh và phong làm quý nhân. Cùng năm Càn Long lại phong bà làm Lệnh Tần. 3 năm sau đó, Lệnh tần được nâng lên thành Lệnh phi. Năm Càn Long thứ 25, Lệnh phi lại được thăng lên làm Lệnh quý phi, bà cũng là Quý phi duy nhất không có xuất thân hiển hách.

Năm Càn Long thứ 30, Ô Lạp Na Lạp Hoàng hậu bị thất sủng, Lệnh quý phi được tấn phong làm Hoàng Quý phi và cai quản hậu cung. Năm Càn Long thứ 40, bà qua đời ở tuổi 47.

Có thể nói Lệnh phi là vị phi tần sinh được nhiều con nhất trong lịch sử nhà Thanh, bao gồm 4 hoàng tử và 2 công chúa. Trong đó có 2 hoàng tử chết yểu còn 2 công chúa phải lấy chồng Mông Cổ và đều qua đời khi mới hơn 20 tuổi.

Thư phi Diệp Hách Lạp thị

Thư phi Diệp Hách Lạp thị là người tộc Mãn Châu, con gái của Thị lang Nạp La Vĩnh Thụy.

Bà sinh vào năm Ung Chính thứ 6 (1728), tới năm Càn Long thứ mười bốn thì vào cung làm quý nhân. Tháng 11 cùng năm, bà được sắc phong làm “Thư tần”.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 7.

Tháng tư năm Càn Long thứ 14, Diệp Hách Lạp thị được tấn phong làm “Thư phi”. Bức chân dung của bà cũng được vẽ vào thời điểm này.

Năm Càn Long thứ 16, bà sinh Thập hoàng tử. Bà qua đời vào năm Càn Long thứ bốn mươi hai, hưởng thọ 50 tuổi.

Khánh Cung Hoàng Quý phi Lục thị

“Khánh tần” tức Hoàng Quý phi Lục thị, là con gái của Lục Sỹ Long.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 8.

Bà sinh vào ngày 24 tháng 6 năm Ung Chính thứ 2 (1724). Năm Càn Long thứ 5, Lục thị nhập cung, được phong làm Quý nhân.

Tháng 6 năm Càn Long thứ 16 (1740) được phong “Khánh tần”. Bức họa chân dung của bà được vẽ vào thời điểm này.

Năm Càn Long thứ 24 (1759), Lục thị được tấn phong làm “Khánh phi”. Bà được phong làm “Khánh Quý phi” vào năm Càn Long thứ ba mươi ba.

Năm Càn Long thứ 39 ( 1774 ), bà qua đời, thọ 51 tuổi, không có con cái. Bà là dưỡng mẫu của Thanh Nhân Tông Gia Khánh đế, được ông đánh giá là người mẹ “dưỡng dục chu toàn”, “hiền hậu như mẹ đẻ”.

Khi bà mất, tang lễ được tổ chức vô cùng long trọng, được truy phong làm “Khánh Cung Hoàng Quý phi”.

Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị

Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị sinh năm 1731, mất năm 1800. Bà là người Mông Cổ chính gốc, là con gái của Đô đốc Nạp Thân.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 9.

Lâm thị nhập cung khi Càn Long mới lên ngôi, được sắc phong là “Dĩnh tần” vào năm Càn Long thứ 16 (1751). Năm Càn Long thứ hai mươi bốn (1759), bà được tấn phong là “Dĩnh phi”.

Vào năm Gia Khánh 13 (1798), Thái thượng hoàng Càn Long ra chiếu chỉ: “Dĩnh phi tại vị lâu năm, lại quá tuổi thất tuần, nên tấn phong làm Quý phi”.

Sau này, Gia Khánh hoàng đế tôn bà là “Dĩnh Quý thái phi”, ở tại Khang Cung.

Năm Gia Khánh thứ 5, em trai của Hoàng đế Gia Khánh là Ái Tân Giác La Vĩnh Lân một mình tổ chức thọ thần cho Dĩnh Quý phi. Vì không có con cái, lại một mình đơn độc trong thâm cung đã lâu, Lâm thị rất vui.

Tuy nhiên Hoàng đế nổi giận, gọi em trai tới trách mắng vì hành vi tự tung tự tác. Chính vì điều này, mà thọ thần bảy mươi của Dĩnh Quý phi cũng trở nên nặng nề.

Hai mươi ngày sau đó, Dĩnh Quý phi qua đời, được an táng tại phi viên tâm trong Dụ Lăng.

Hân Quý phi Đới Giai thị

Hân tần – tức Hân Quý phi Đới Giai thị – là con gái của Tổng đốc Tô Đồ, người gốc Mãn Châu.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 10.

Vào năm Càn Long thứ mười tám (1754) Đái Giai thị nhập cung. Đến năm Càn Long thứ 19, bà được tấn phong làm “Hãn tần”. Bức chân dung của bà cũng được vẽ vào thời điểm này.

Vào năm Càn Long thứ hai mươi tám (1763) bà được tấn phong làm “Hãn phi”. Vào tháng 11 cùng năm này, bà qua đời. Tang lễ của bà được tổ chức theo nghi lễ dành cho Quý phi.

Đôn phi Uông thị

Đôn phi Uông thị là người Mãn Châu, con gái của Đô thống Tứ Cách. Bà sinh vào năm Càn Long thứ 11 (1746).

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 11.

Ngày 18/10 năm Càn Long thứ 28 (1763), Uông thị nhập cung, được phong là “Vĩnh thường tại”. Khi đó bà mới 17 tuổi, còn Hoàng đế đã 52 tuổi.

Năm Càn Long thứ ba mươi sáu (1771), bà được tấn phong là “Vĩnh Quý nhân”, sau đó là “Vĩnh tần”.

Ba năm sau, bà được tấn phong là “Đôn phi”. Bức họa chân dung của bà cũng được vẽ vào thời điểm này.

Năm Càn Long thứ 40, Đôn phi hạ sinh Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa – công chúa thứ mười một của Càn Long.

Tuy nhiên sau đó, vào năm Càn Long thứ 43, Đôn phi vì giết hạ nhân mà bị giáng xuống làm “tần”, ba năm sau mới khôi phục chức “phi”.

Năm Gia Khánh thứ 11, Đôn phi qua đời, hưởng thọ 61 tuổi. Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa sau này gả cho Phò mã Phong Thân Ân Đức (con trai cả của Hòa Thân).

Thuận phi Hữu Nộ Lộc thị

Thuận phi Hữu Nộ Lộc thị, sau này bị giáng làm Thuận Quý nhân, là con gái của Tổng đốc Ái Tất Đạt.

Hậu thế khai quật 12 bức tranh Càn Long cất giữ như báu vật, trước khi băng hà từng tuyên bố ai lén xem sẽ bị lăng trì xử tử- Ảnh 12.

Bà sinh vào năm Càn Long thứ 14. Đến năm Càn Long thứ 31, Hữu Nỗ Lộc thị nhập cung, được phong làm Quý nhân. Khi đó bà mới 18 tuổi, kém Càn Long 38 tuổi.

Năm Càn Long thứ 33, bà được phong làm Thuận tần, bảy năm sau được tấn phong làm “Thuận phi”. Bức chân dung của bà được vẽ vào thời điểm phong phi.

Năm Càn Long thứ 53, Thuận phi bị giáng xuống làm Thuận Quý nhân. Cùng năm đó, Thuận Quý nhân qua đời, hưởng thọ 41 tuổi.

Nguồn: Cafebiz.vn