Chị H.T.Ch bị đau bụng dưới theo cơn nên đã đi khám, kết quả chị được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng.
Khoảng một tháng nay, chị H.T.Ch xuất hiện tình trạng đau bụng dưới theo cơn không đỡ.
Lúc đầu chị Ch nghĩ bản thân mắc bệnh phụ khoa nên đã đi khám. Kết quả khám cho thấy chị bị viêm phụ khoa nhẹ. Bác sĩ kê đơn đặt thuốc vệ sinh hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng từng cơn xuất hiện ngày càng dày đặc, chị Ch cho rằng bản thân mắc bệnh lý khác nên lại tới bệnh viện khám. Kết quả nội soi, chụp CT và xét nghiệm cho thấy chị Ch mắc ung thư đại tràng. Chị Ch được chỉ định nhập viện phẫu thuật.
Khi nghe chẩn đoán mắc ung thư, chị Ch đã rất lo lắng vì nghĩ bản thân đã mang “án tử”. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ giải thích, chị Ch đã yên tâm điều trị.
Sau phẫu thuật, chị Ch được điều trị bổ trợ 12 đợt hóa trị. Sau hơn một năm điều trị ung thư, sức khỏe của chị Ch ổn định, chị đã có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường nhật.
Chị Ch cho biết do gia đình làm kinh doanh nên chị thường thường xuyên mua đồ ăn đã chế biến sẵn và ăn uống vội vàng.
BSCKII. Nguyễn Thị Hồng Hảo, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho hay, ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến. Có 3 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, bao gồm: chế độ ăn uống không hợp lý, mắc một số bệnh lý và yếu tố gen di truyền.
Trong đó, chế độ ăn uống được cho là có mối liên quan mật thiết tới ung thư đại tràng.
“Chế độ ăn bất hợp lý, mất cân bằng trong khẩu phần ăn ví dụ như một chế độ ăn quá nhiều thịt, quá nhiều mỡ động vật (thịt nướng, thịt chiên rán) nhưng lại thiếurau xanh, thiếu các loại vitamin như: vitamin A, E có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Ngoài ra, nhóm thịt muối chế biến sẵn có chứa nitrosamine cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng nếu mọi người ăn quá thường xuyên”, bác sĩ Hảo cho biết.
Ngoài thói quen ăn uống, nguy cơ mắc ung thư đại tràng cũng tăng cao ở những người có tổn thương polyp. Với người có khối polyp lớn hơn 2cm, sau một thời gian khối polyp sẽ có nguy cơ loạn sản và có thể tiến triển thành ung thư. Người mắc bệnh lý viêm đại tràng mạn tính lâu ngày, không điều trị cũng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn.
Theo bác sĩ Hảo, ung thư đại tràng cũng có liên quan tới yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc ung thư đại tràng, mọi người cần cần phải tầm soát ung thư sớm.
Bác sĩ Hảo cho biết, dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề rối loạn tiêu hóa lành tính. Tuy nhiên, mọi người vẫn nên cảnh giác với một số triệu chứng dưới đây:
– Đi ngoài ra máu: Phân nhầy có máu có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng. Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc ung thư đại tràng có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy.
– Khuôn phân thay đổi.
– Đau âm ỉ vùng bụng, đau thành cơn.
– Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có dấu hiệu toàn thân như: sụt cân nhanh, chán ăn, mệt mỏi, thiếu máu, sờ thấy hạch ở vùng thượng đòn.
Để phòng ngừa ung thư đại tràng bác sĩ Hảo khuyên mọi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá. Ngoài ra, mọi người cần xây dựng chế độ ăn cân đối, đầy đủ các dưỡng chất, giảm ăn dầu mỡ, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải tập luyện thể dục thể thao 30 phút/ngày để nâng cao sức đề kháng, giảm căng thẳng. Thói quen tập thể dục có thể giúp mọi người phòng ngừa bệnh ung thư và các bệnh lý khác. Cuối cùng, chuyên gia khuyến cáo mọi người cần kiểm soát cân nặng và đi khám sức định kỳ.
Nguồn: Cafebiz.vn