Ngôi trường kỳ lạ như vậy, khác hẳn những ngôi trường khác và cũng khác hẳn những kỳ vọng của nhiều bố mẹ.
4 năm trước, trong hành trình tìm trường mầm non cho con là bé Phan Diệp Anh, chị Hồng Nga (Hà Nội) tình cờ biết đến một ngôi trường, ngay từ cái tên đã gợi lên cảm giác bình yên: Mầm non Làng hạnh phúc – Trở về tự nhiên.
Đó là một ngôi trường “kỳ lạ”:
Thay vì giữ trẻ con ngồi yên trong lớp cho… nhàn thì lại hoạt động ngoài trời chiếm đến 50% thời gian. Không cho trẻ nghịch đất cát, nghịch nước,… cho sạch sẽ và được lòng phụ huynh mà thoải mái để các con vầy nước, bốc đất, xúc cát. Không quát mắng, phạt trẻ khi trẻ sai để… đỡ tốn thời gian mà ngồi nói chuyện, thủ thỉ, phân tích đúng sai.
Các cô giáo cũng thật “kỳ lạ”. Thuộc hết tên, tính nết và bố mẹ của từng trẻ, kể cả trẻ không phải lớp mình. Các cô không son phấn, thường mặc quần áo rộng để tiện chơi cầu trượt, chơi xúc cát, chơi đồ hàng và sẵn sàng nghịch bẩn cùng trẻ. Cứ như những đứa trẻ chưa lớn vậy.
Những đứa trẻ con cũng “kỳ lạ” nốt. Trẻ cũng thuộc hết tên tất cả các cô trong trường, thậm chí là thân quen và yêu quý. Trẻ còn thân quen với cả phụ huynh của trẻ khác, chạy ra kể chuyện, ôm, đòi bế cứ như người thân của mình. Bố mẹ học nhiều từ các cô từ cách nói chuyện, cư xử với các bạn nhỏ, học cách bình tĩnh làm cha mẹ.
4 năm con học ở đây, điều chị Nga thấy rõ nhất ở con và các bạn con khi học ở đó là rất vui vẻ, rất hạnh phúc. Mỗi chiều đi đón thấy con chơi rất vui, về nhà kể chuyện về bạn bè, về cô giáo và luôn nói đấy là những người bạn thân nhất của con.
Cảm giác con có một tuổi thơ thật hạnh phúc, bình yên. Và con cũng trở thành một em bé sống rất tình cảm, luôn nói lời yêu bố mẹ, không ngại bày tỏ lòng yêu thương. Con cũng rất thích chơi với các em bé, giúp các em đi giày dép, cài lại khuy áo rất dịu dàng. Chính bản thân chị cũng học được nhiều thứ, để hành trình làm cha mẹ của mình trở nên nhẹ nhàng hơn.
Đến bây giờ chị vẫn thấy rằng cho con đi học ở một ngôi trường Steiner là món quà tốt nhất mình có thể dành cho con.
Từ một tiêu chí chọn trường “không giống ai”
Chị Nga cho biết, Mầm non Làng hạnh phúc lấy cảm hứng từ phương pháp giáo dục Steiner. Đây là phương pháp thực sự rất kén phụ huynh, bởi vì phụ huynh bây giờ sợ nhiều thứ và cũng kỳ vọng quá nhiều thứ: Sợ con nghịch bẩn, sợ con chơi ở ngoài trời nhiều thì dễ ốm, sợ con chơi nhiều thì vào lớp 1 không bắt nhịp với việc học được.
Nhiều phụ huynh đặt cao việc học tiếng Anh, việc con phải học được một cái gì đó mà ai cũng dễ nhìn thấy như biết đọc, nói tiếng Anh trôi chảy, biết vẽ theo mẫu, nặn theo mẫu,… nhưng không ai để ý đến con có được những trải nghiệm thực tế không, con được dạy về lòng biết ơn, về yêu thương…
Trong khi đó, tiêu chí quan trọng nhất của chị Nga khi tìm trường cho con chính là con được có thời gian chơi ngoài thiên nhiên nhiều nhất có thể. Chị cũng không muốn con chơi trong nhà với đồ chơi hay mô hình, chị muốn con được trải nghiệm mọi giác quan với những đồ thật.
Theo chị Nga, các em học sinh ngày nay rất dễ bi quan, dễ trầm cảm, nếu chỉ sống trong nhà thì tinh thần yếu đuối. Sau này cuộc sống còn nhiều lúc không như ý, nên chị mong con chị có một tâm hồn khoẻ mạnh, một thân thể khoẻ mạnh rồi mới đến những thứ khác.
“Ngay từ khi mang bầu, mình đã rục rịch tìm hiểu về các phương pháp giáo dục trẻ nhỏ. Mình muốn con có một tuổi thơ giống như mình. Tuổi thơ mình là những buổi chạy chơi ngoài đồng, bứt cỏ gà, hái đòng đòng, bắt muỗm, bắt châu chấu. Là những buổi gom lá rụng trong vườn, nhóm lửa nấu cơm trong ống bơ sữa bò, là những buổi hái hoa râm bụt, hái sợi tơ hồng để chơi đồ hàng. Là những ngày lăn lộn trên đường làng đầy rơm,… Không tivi, không điện thoại, không đồ chơi bằng nhựa,…”, chị Nga chia sẻ.
Hai vợ chồng không thể bỏ phố về rừng nên việc tìm được một môi trường gần giống như vậy ở phố thật quá khó. Thế nhưng, may mắn cuối cùng vẫn tìm được.
Lần đầu tiên bước đến trường, chị đã thấy rất yêu thích không gian của trường, một cảm giác nhẹ nhõm và yên bình. Những lớp học nho nhỏ giữa một không gian xanh mát, những bờ rào bằng tre, những cây mít, cây khế, cây dừa, cây na khiến chị cảm thấy như được trở về ngôi nhà ngày bé của mình ở quê. Bước vào trường cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái, như tách ra khỏi mọi khói bụi, xô bồ bên ngoài.
Mọi thứ thật xinh xẻo và ấm áp. Mọi đồ vật từ bức tranh, bảng chữ cái hay đến các con vật bằng len, búp bê bằng len, búp bê vải đến những tấm thảm bằng len đều do các cô tự làm. Chị tưởng tượng hằng ngày con chơi đùa, chạy nhảy, khám phá trong không gian này mà cảm thấy yên tâm. Khi nói chuyện với các cô về phương pháp giáo dục, chị Nga càng thích hơn.
Vì các con có quyền được mơ mộng
Khi biết chị Nga chọn trường, nhiều người nói với chị rằng trẻ con nơi đây chỉ biết rong chơi, mơ mộng và không có nguyên tắc, quy củ. Bởi nhìn từ ngoài vào, các con ở trường thường ca hát, vẽ vời, kể chuyện, làm đồ gỗ, làm bánh, chủ yếu thời gian ở trường là chơi trong sân, trong vườn… chẳng được “dạy dỗ” gì.
Nhưng sự thật, con học từ tìm hiểu thế giới xung quanh, từ các hoạt động ngoài trời, con học từ việc bắt chước các hoạt động của cô giáo,… Con được học từ môi trường “thật”, môi trường có sự sống, có hơi thở chứ không phải từ tranh vẽ, hay mô hình, một “cuộc sống đã được đóng gói sẵn”.
“Mơ mộng không phải là điều gì xấu, tâm hồn có mơ mộng thì mới có những suy nghĩ sáng tạo, vượt khỏi lề phép thông thường. Ở nhà mình cũng luôn khuyến khích con được nghịch, được thử làm mọi thứ. Miễn là con không bị nguy hiểm và trò nghịch của con không ảnh hưởng tới người khác thì con có thể làm mọi thứ”, chị Nga nói.
Ở đây có buổi họp phụ huynh rất khác, không có nhận xét, không có đánh giá, chỉ có những chia sẻ, những câu chuyện gần gũi giữa cô và mẹ, giữa các mẹ, có tiếng cười đùa và cả giọt nước mắt vì xúc động.
Những năm con đi học, chị Nga không phải băn khoăn, lăn tăn hỏi thăm các cô nhiều về con. Mỗi ngày đi học về nghe con kể về chuyện trên trường với ánh mắt vui vẻ và hạnh phúc là mẹ biết con đang có tuổi thơ đẹp như nào. Nếu các phụ huynh cùng chung một mong ước cho con một thời thơ ấu thật đẹp, một nơi giúp các con được trải nghiệm, thoả mãn mọi giác quan và “no đủ” thiên nhiên, có lẽ cũng ưng ý ngay từ khi bước chân vào ngôi trường này.
Tuy nhiên lời khuyên chọn trường của chị Nga là phụ huynh nên tìm hiểu con mình trước, xem con là một em bé ra sao, và mình mong muốn con như thế nào.
“Mình mong con có một cuộc sống hạnh phúc, có lạc quan, hạnh phúc mới vượt qua được khó khăn. Bố mẹ ko đi theo và cũng không thể đi theo để gánh hết khó khăn cho con được, vậy nên bản thân bên trong con có mạnh mẽ thì con mới sống tốt.
Ngoài ra, mình mong muốn con mình được trải nghiệm càng nhiều càng tốt, để con có mong muốn được khám phá, đủ dũng cảm và đủ khôn ngoan để ra ngoài khám phá thế giới nên chọn Steiner”, chị Nga cho biết.
Trường Mầm non Làng hạnh phúc – Trở về tự nhiên có hai cơ sở ở Yên Xá, Thanh Trì (gần Văn Quán, Hà Đông) và Hoàng Ngân, Cầu Giấy. Trường chia 2 lớp là 0 – 3 tuổi và 3 – 6 tuổi.
Nguồn: Cafebiz.vn