Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’

Họ không lo lắng bị gọi là “nghèo” vì đi xe đạp; họ không lo bị chê cười vì ăn mặc xuề xòa; cũng không lo bị gọi là “bủn xỉn” vì cuộc sống đạm bạc.

Một cặp vợ chồng ở Đài Loan đã sống cuộc sống “không tiêu dùng” kể từ năm 2016. Hơn 7 năm đã trôi qua, cuộc sống của họ ngày càng trở nên hạnh phúc hơn.

Theo thống kê, mỗi người có thể thải ra 2kg rác mỗi ngày, nhưng Lỗ Gia Linh, chồng cô và 7 con mèo của họ mỗi tháng thải ra chưa đến 0,2kg rác và chi phí chi tiêu hàng tháng của họ chỉ là 3.800 nhân dân tệ (khoảng 13 triệu đồng).

Theo lời của Lỗ Gia Linh, trước đây, việc mua sắm sẽ khiến cô hạnh phúc, nhưng hiện tại, khi thấy mọi thứ được tận dụng và không tạo ra rác thải hay lãng phí, cô sẽ có cảm giác hạnh phúc mãnh liệt.

Lý do cô lựa chọn lối sống này bắt nguồn từ một chuyến đi. Một lần, Lỗ Gia Linh và chồng đi du lịch Bành Hồ. Họ bị sốc trước những chiếc túi nhựa và chai nước uống có thể nhìn thấy khắp nơi trên bãi biển.

Trong bữa trưa, khi nhìn thấy bộ đồ ăn dùng một lần trước mặt, vợ chồng cô cảm thấy hơi xấu hổ và đó cũng là lần đầu tiên họ nhận ra rằng chính bản thân cũng đang liên tục tạo ra rác thải. Rác thải mà con người thải ra trong tương lai sẽ tích tụ trên các đại dương và đất liền, gây hại cho chính con người như một hình thức “trả thù”. Sau sự việc này, cặp đôi quyết định thử sức với cuộc sống “không tiêu dùng” và “không rác thải”.

Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’- Ảnh 1.

Trước đây, niềm vui của Lỗ Gia Linh đến từ việc mua những chiếc điện thoại di động mới nhất, các loại quần áo và giày dép, nhưng cô sớm phát hiện ra rằng những thứ này không mang lại cho cô niềm vui thực sự, có những bộ quần áo thậm chí còn chưa từng được mở ra lấy một lần.

Giờ đây, cô hiếm khi mua quần áo mới, chỉ mua vải cotton hữu cơ không chứa nhựa nếu thực sự cần thiết. Cô không còn đến siêu thị mua thực phẩm đóng gói mà thay vào đó là đến các chợ truyền thống để mua rau. Cô học cách tự làm xà phòng, dầu gội và kem đánh răng, đồng thời luôn mang theo đồ dùng, khăn tay và các vật dụng cá nhân khác khi ra ngoài. Họ không dùng giấy vệ sinh, chỉ dùng nước và vải, thậm chí cả băng vệ sinh, Lỗ Gia Linh cũng không bao giờ mua.

Cô chỉ sử dụng băng vệ sinh bằng vải, vừa tiện lợi vừa thân thiện với môi trường. Một bộ băng vệ sinh bằng vải có thể sử dụng được hơn hai năm.

Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’- Ảnh 2.

Sau khi lựa chọn cuộc sống không rác thải, hai vợ chồng cô cảm thấy cuộc sống rất đơn giản và rất hạnh phúc.

Hiện tại, niềm hạnh phúc trong mắt cô là được sử dụng một thứ gì đó nhiều lần và giảm thiểu lãng phí. Lỗ Gia Linh tính toán sơ bộ và nhận thấy kể từ khi thực hiện lối sống “không rác thải”, chi phí hàng tháng của hai vợ chồng và 7 con mèo của họ chỉ còn 3.800 nhân dân tệ (khoảng 13 triệu đồng).

Cô rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Chất thải nhà bếp và mùn cưa vệ sinh cho mèo được dùng để làm phân bón, phân bón được cho việc trồng hoa và rau, rồi lại được dùng để nuôi dưỡng cơ thể và các giác quan của cô.

Mỗi ngày trôi qua đều vui vẻ, thoải mái và thiết thực, cô thậm chí còn cảm thấy dung mạo và khí chất của mình đã thay đổi. Nụ cười nhiều hơn, đường nét trên khuôn mặt dịu đi, con người cũng trở nên dịu dàng và điềm tĩnh hơn theo thời gian.

Sự giàu có thực sự không bao giờ nằm ở việc bạn sống trong một biệt thự lớn ra sao, bạn sở hữu bao nhiêu chiếc xe hơi sang trọng hay bạn mua bao nhiêu món đồ xa xỉ đắt tiền, mà là sự chấp nhận bản thân từ chính bên trong.

Bạn không lo lắng bị gọi là “nghèo” vì bạn đi xe đạp; bạn không lo bị chê cười vì ăn mặc xuề xòa; cũng không lo bị gọi là “bủn xỉn” vì cuộc sống đạm bạc.

Sự giàu có thực sự không phải là việc thường xuyên thỏa mãn những ham muốn mà là việc cắt bỏ những điều phức tạp và đơn giản hóa, đồng thời trở thành người làm chủ những mong muốn của bản thân.

Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cũng có một cặp vợ chồng trẻ như vậy, họ cũng chọn lối sống “không rác thải” giống như vợ chồng Lỗ Gia Linh.

Cặp vợ chồng trẻ ở Bắc Kinh này đã tạo ra bao nhiêu rác thải trong 6 tháng? Đáp án là: 0,5kg rác

Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’- Ảnh 3.

Khái niệm 0,5kg rác là gì? Là trong một năm chỉ cần một lọ thủy tinh cũng có thể chứa được số rác thải do cặp vợ chồng trẻ này thải ra. Cặp vợ chồng trẻ này là Du Nguyên và bạn trai Joe. Việc họ tiếp cận với cuộc sống “không rác thải” đến từ một lần tình cờ.

Năm 2016, Du Nguyên vô tình nhìn thấy một gia đình nước ngoài gồm 4 người chỉ sản xuất một thùng rác mỗi năm. Vô cùng cảm động, cô quyết định thử cuộc sống như vậy với người bạn trai Joe. Trong ngôi nhà của Du Nguyên và bạn trai Joe, trong căn nhà rộng 60 mét vuông chỉ có bốn món đồ đạc, một chiếc giường, một bàn, một cái ghế và một tủ quần áo. Trong tủ có rất ít quần áo đến mức một chiếc vali cũng có thể nhét vừa.

Những bộ quần áo và giày dép này đều được hai người mua từ chợ đồ cũ, chỉ có giá vài trăm ngàn, thậm chí là vài chục ngàn.

Joe nói: “Tôi chỉ mua quần áo cũ và thích mặc chúng”.

Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’- Ảnh 4.

Không chỉ cực kỳ tiết kiệm trong ăn mặc và sinh hoạt, cặp vợ chồng trẻ này cũng không lãng phí trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.

Kem đánh răng, kem dưỡng da và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác đều được làm thủ công từ nguyên liệu thô không chứa chất phụ gia. Các sản phẩm này có khả năng phân hủy sinh học và không tạo ra chất thải.

Trong bếp có những lọ thủy tinh đủ kích cỡ để đựng các loại gạo, bột mì và dầu ăn, họ mua những chiếc lọ đó từ chợ bán đồ cũ.

Còn đối với rác thải thực phẩm, họ thường trộn đất và lá khô làm phân trộn tạo thành đất vàng đen, sau đó đưa ra khu vườn cộng đồng để bổ sung chất dinh dưỡng tự nhiên cho hoa, cây.

Trong cuộc sống hàng ngày, Du Nguyên và Joe rất chú ý đến chi tiết và từ chối các sản phẩm nhựa dùng một lần, các mặt hàng không thể tái chế và đồ ăn mang về.

Mỗi khi ra ngoài, Du Nguyên đều mang theo một chiếc túi vải bên mình, từ chối những chiếc túi nhựa do người bán hàng cung cấp và dùng túi vải để đựng những món đồ đã mua.

Lối sinh hoạt “Không rác thải” dần thay đổi cuộc sống của Du Nguyên, khiến cuộc sống của cô không còn bị thế giới bên ngoài chi phối.

“Nhiều doanh nghiệp hiện đang khuyến khích phụ nữ nên yêu bản thân và sẵn sàng chi tiền cho bản thân. Có vẻ như càng mua sắm nhiều thì bạn sẽ càng hạnh phúc. Thực tế thì không phải vậy”, Du Nguyên nói.

Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’- Ảnh 5.

Sau khi thực hành lối sống không rác thải, cuộc sống của Du Nguyên đã trở nên sảng khoái hơn và chi phí sinh hoạt cũng giảm đi rất nhiều.

Cô không còn mua những thứ ngẫu nhiên nữa và có thể dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho những thứ mình thích.

Dưới sự ảnh hưởng của Du Nguyên và Joe, ngày càng có nhiều bạn bè theo họ học cách ủ phân bón và sử dụng túi vải thân thiện với môi trường.

Mặc dù trong thời gian ngắn, họ vẫn chưa thực hành được lối sống không rác thải, nhưng những thay đổi này cũng đủ khiến Du Nguyên và Joe cảm thấy vui vẻ.

Trên thực tế, cái gọi là cuộc sống không rác thải không có nghĩa là không sản xuất rác mà là cố gắng giảm thiểu rác thải tại nguồn để hầu hết các nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong cuộc sống đều có thể được tái chế.

Bắt đầu bằng việc mang theo túi vải và bộ đồ ăn bên mình, từ chối sử dụng túi nhựa và bộ đồ ăn dùng một lần, đồng thời từ từ chuyển sang mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tất nhiên, quá trình này cần diễn ra dần dần, nhưng miễn là chúng ta có nhận thức về “ít rác thải, không rác thải” thì đó cũng có nghĩa là một khởi đầu mới.

Khi lối sống này trở thành thói quen, bạn sẽ thấy rằng trạng thái tinh thần, nhận thức và thậm chí cả giá trị cuộc sống của bạn sẽ thay đổi, và bạn sẽ trải qua sự phát triển và cải thiện tinh thần to lớn.

Cặp vợ chồng sống tối giản cùng 7 chú mèo, chi tiêu tiết kiệm, hạn chế xả rác tới mức chỉ vứt 0,2kg rác/tháng: ‘Tôi hạnh phúc mãnh liệt’- Ảnh 6.

Trên thực tế, dù là “chủ nghĩa tiêu dùng thấp” hay “không rác thải” thì thực chất chúng đều là lối sống giảm bớt ham muốn vật chất và tìm về với tự nhiên. Khi biết kiềm chế những ham muốn vật chất và thực hiện những phép trừ trong cuộc sống, điều tiếp theo xảy tới với bạn sẽ là sự thư giãn về thể chất và tinh thần và cải thiện tinh thần. Điều này cũng khẳng định một quy luật – vật chất càng đơn giản thì tinh thần càng phong phú.

“Chủ nghĩa tiêu dùng thấp” có nghĩa là kiểm soát ham muốn ở mức độ lớn nhất, để không bị những ham muốn vật chất chi phối và kiểm soát.

Cố gắng không để bản thân trở thành nô lệ của dục vọng so sánh và phù phiếm. Chỉ bằng cách “làm phép trừ” trong cuộc sống, kiểm soát những ham muốn không cần thiết, bạn mới có thể có được một cuộc sống sảng khoái đích thực. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chiếc giường và ba bữa ăn. Thấy không, những gì chúng ta cần, thực ra không nhiều.

Nguồn: Cafebiz.vn