Bừng tỉnh khỏi cõi mộng tự do, dân freelancer tìm cách quay trở lại văn phòng, một lần nữa “bán mình cho đồng tiền” bất chấp lương thấp

Không ít freelancer đang “rục rịch” tìm cách quay lại môi trường văn phòng, dù cho phải đánh đổi là mức lương thấp hơn.

Bừng tỉnh khỏi cõi mộng tự do, dân freelancer tìm cách quay trở lại văn phòng, một lần nữa "bán mình cho đồng tiền" bất chấp lương thấp- Ảnh 1.

Freelancer từng là xu hướng việc làm lan rộng với người trẻ, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay không ít freelancer đang “rục rịch” tìm cách quay lại môi trường văn phòng, dù cho phải đánh đổi là mức lương thấp hơn. Tại sao vậy?

Freelancer – Một giấc mơ đẹp về sự tự do

Thanh Thuý (25 tuổi, TP.HCM) quyết định trở lại làm nhân viên văn phòng sau 1 năm rưỡi làm freelancer. Trước đó, cô bạn quyết định làm tự do vì muốn môi trường làm việc linh hoạt, di chuyển nhiều và ít gò bó so với cuộc sống công sở. Một lý do khác là Thanh Thuý thích thử nghiệm cái mới và lĩnh vực freelancer nằm trong số đó.

Thanh Thuý tâm sự: “Tuy nhiên, sau 1 năm làm ở nhà thì mình nhận thấy thu nhập bấp bênh. Bản thân dễ không đi vào kỷ luật, đó là ‘thích thì làm, chán thì thôi’, rất thiếu tự giác. Ngoài ra, mình cảm thấy tốc độ phát triển chuyên môn khi làm freelancer chậm hơn nhiều so thời làm văn phòng. Cụ thể, lộ trình thăng tiến không rõ ràng, bản thân cũng không có sự giúp đồng hành của sếp và nhân viên khác.

Từ tháng 3 năm nay, mình đã bắt đầu đi xin việc lại. Tuy nhiên, khoảng trống của CV hình thành do làm freelancer khó bù đắp, nên thời gian đầu mình cũng khó khăn để tìm được vị trí ổn định”.

Về riêng thu nhập giữa thời điểm hiện tại và khi còn làm freelancer thì ngang nhau. Bởi cô nàng đang vừa làm văn phòng vừa nhận các công việc freelance nên cũng không có quá nhiều sự thay đổi trong thu nhập.

Bừng tỉnh khỏi cõi mộng tự do, dân freelancer tìm cách quay trở lại văn phòng, một lần nữa "bán mình cho đồng tiền" bất chấp lương thấp- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp Nguyễn Tâm (27 tuổi, TP.HCM) đã làm freelancer được 3 năm, kể từ năm 2021. Mới đây, anh chàng đã quay lại môi trường công sở là một công ty nước ngoài và hài lòng với vị trí mới này.

Anh chàng chia sẻ: “Về thu nhập, nếu bạn có bản lĩnh và đủ may mắn gặp khách hàng tốt, thì nếu làm 1 tuần (30-40 tiếng) bằng lương nhân viên văn phòng 1 tháng là có thể. Ngoài ra, bạn còn có thể làm việc ở bất cứ đâu, không cần quần áo đồng phục hay lên văn phòng. Tuy nhiên cần đánh đổi một chút là chi phí mua công cụ làm việc nhé.

Song freelancer không màu hồng.  Bạn nào nghĩ làm freelancer có nhiều thời gian rảnh rỗi và tự do là sai lầm.  Vì để kiếm được nhiều tiền, bạn không thể nhàn nhã như công việc văn phòng 5h chiều về nhà. Và một ‘cái khó’ nữa là bạn không có đồng nghiệp backup cho những sự cố xảy ra, lúc ấy căng thẳng nhân lên gấp bội. Nhìn chung, bạn nên nghiêm túc và biết quản lý thời gian, dự án tốt mới nên chuyển sang làm freelancer”.

Về phía anh chàng, Nguyễn Tâm trở lại công việc văn phòng vì cũng muốn được trải nghiệm môi trường đi làm công sở, thay vì hàng ngày ở nhà và hầu hết chỉ giao tiếp với đối tác qua máy tính. Bên cạnh đó, anh cho rằng thời gian đầu đi làm lại văn phòng thì mức lương giảm khá nhiều, tuy nhiên đổi lại là khả năng trau dồi kỹ năng, học hỏi và tiếp xúc với người trẻ.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm freelancer?

Mai Phương (SN 1998) đã làm freelancer toàn thời gian 2 năm trước khi trở lại văn phòng vào cuối năm 2023. Cô bạn chia sẻ khi làm việc freelance toàn thời gian, bạn buộc phải có kỹ năng quản lý, từ quản lý thời gian, quản lý khách hàng, quản lý tài chính, cho tới quản lý chính bản thân mình. Đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ còn là các yếu tố khác như chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng đàm phán – thuyết phục, kỹ năng thích ứng và học hỏi, tư duy kinh doanh, tư duy chiến lược…

Đặc biệt, freelancer không nên chọn cạnh tranh về giá. Giá càng thấp vừa phá giá thị trường chung, vừa khiến chính freelancer mãi luẩn quẩn và dậm chân tại chỗ, không phát triển và cũng không thể chạm tới điểm “tự do” trong freelance.

Bừng tỉnh khỏi cõi mộng tự do, dân freelancer tìm cách quay trở lại văn phòng, một lần nữa "bán mình cho đồng tiền" bất chấp lương thấp- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, Nguyễn Tâm cho rằng với sự phát triển của công nghệ số và AI thì freelancer không chỉ là xu hướng nghề nghiệp mà còn trở thành đích đến trong lộ trình sự nghiệp của nhiều người. Tuy nhiên, công việc này không chỉ toàn màu hồng.

“Mình khuyên các bạn trước khi quyết định nhảy sang làm tự do thì nên thử vừa làm văn phòng vừa làm freelancer như nghề tay trái. Bởi bạn cần đảm bảo thu nhập, song song với duy trì được việc vừa học vừa làm. Sau 1-2 năm tìm được công việc freelancer phù hợp với mình, đem lại thu nhập tốt (tối thiểu bằng công việc fulltime nhưng cần ít thời gian hơn), tính chất thời gian ưng ý thì mới nên mạnh dạn nghỉ việc văn phòng”, Nguyễn Tâm đưa ra lời khuyên.

Nguồn: Cafebiz.vn