Sau khi giúp hàng trăm học sinh yếu, kém ở Mỹ vào đại học, anh Văn Tấn Hoàng Vỹ quyết định mở trường tư đạt chuẩn đầu tiên của người Việt ở Houston, bang Texas.
Anh Văn Tấn Hoàng Vỹ, 38 tuổi, quê Nha Trang, mở trường tư đạt chuẩn đầu tiên của người Việt ở Houston, có tên Van Houston Academy (VHA). Ngôi trường được thành lập năm 2016, ban đầu hoạt động với mô hình “After school” (dạy kèm sau giờ học và luyện thi SAT cuối tuần). Đến năm 2018, anh mở rộng mô hình thành trường tư.
Năm 2001, khi đang học lớp 10 chuyên Toán, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang, Khánh Hòa), anh Vỹ nhận học bổng chương trình A-level của Ashbourne College London, sau đó trúng tuyển ngành Toán tại Imperial College London (Anh). Đây là ngôi trường nhiều lần trong top 10 thế giới ở các bảng xếp hạng đại học uy tín.
Sau khi tốt nghiệp trường Imperial College London (Anh), anh Vỹ làm việc tại ngôi trường “từng có 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức không thể chấp nhận”. Tại đây, với cách dạy đặc biệt của mình, anh Vỹ đã giúp hơn 600 học sinh từng học yếu kém vào Đại học.
Một thời gian sau, anh cao học và tốt nghiệp Đại học Stanford danh tiếng, chuyên ngành giáo án và huấn luyện giáo viên. Với kinh nghiệm làm việc và chuyên môn được đào tạo, anh Vỹ quyết định mở một trường học Việt Nam ở Houston.
Chị gái của anh Văn Tấn Hoàng Vỹ cũng là nhân vật nổi bật trong giới khởi nghiệp, chị Văn Đinh Hồng Vũ – Founder (Nhà sáng lập) kiêm CEO (Giám đốc điều hành) của ELSA Speak, ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh tích hợp công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo).
Được biết, anh học chuyên Toán và trúng tuyển ngành Toán tại Imperial College London (Anh), ngôi trường nhiều lần trong top 10 thế giới ở các bảng xếp hạng đại học uy tín. Trở thành một giáo viên Toán, liệu có phải mục tiêu ngay từ ban đầu của anh?
Khi trúng tuyển vào trường Imperial, tôi nghĩ mình sẽ theo ngành ngân hàng, cũng chưa từng nghĩ sau này sẽ đứng trên bục giảng dạy Toán. Mọi thứ như cơ duyên, trong thời gian được nghỉ 3 tuần ở trường Đại học, tôi được theo làm trợ giảng cho các lớp ở một khu nhà nghèo và tình cờ giáo viên chính lại không tham gia được nên tôi là người đứng lớp.
Trải nghiệm đầu tiên đứng lớp, tôi rất thích. Tôi chưa bao giờ có cảm giác được làm công việc làm mình hạnh phúc như đứng lớp. Tôi khám phá mình ra mình có năng khiếu đặc biệt trong việc giảng dạy. Tôi giảng dạy thì học sinh hiểu và rất thích. Khả năng xây dựng mối quan hệ giữa thầy và trò của tôi cũng rất tốt, học sinh thích mình nên các em ham học lắm. Trong vòng 3 tuần, có một số học sinh tôi dạy đã tăng từ điểm D lên điểm A. Tôi ngạc nhiên thấy mình khá hợp với ngành này.
Tôi thích đi dạy. Ngay sau đó, tôi thông báo với gia đình rằng sau này mình theo nghề giáo, không muốn làm công việc nào khác nữa. Gia đình lúc ấy không quá ủng hộ nhưng cũng không cản được vì tôi đã quyết tâm. Trong những năm học Đại học, tôi vẫn tiếp tục tham gia các khóa dạy. Sau 4 năm, gia đình tôi ở Mỹ nên tôi quyết định qua Mỹ để sinh sống, tôi cũng được nhận làm ở 1 trong 7 khu học chính lớn nhất của nước Mỹ.
Hành trình đến với ngành giáo dục, trở thành một thầy giáo của anh diễn ra như thế nào?
Tôi khám phá đam mê giáo dục của mình khi làm việc ở khu nhà nghèo. Sau kinh nghiệm đó, tôi rất muốn được làm việc với những học sinh có hoàn cảnh không bằng gia đình khác.
Khi vừa ra trường, tôi qua Mỹ, dành khoảng 6 tháng để tìm việc. Tất cả các trường tôi nộp đơn đều là trường ở khu nhà nghèo. Kinh nghiệm đầu tiên tôi đi dạy ở Mỹ là Sam Houston, đó là ngôi trường từng “từng có 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức không thể chấp nhận” vì các em học sinh điểm thi quá thấp, tỉ lệ tốt nghiệp cũng thấp. Khi đó tôi nộp đơn thử sức vào trường đó, nhiều người nói là mình dạy được trong trường này thì sẽ dạy được tất cả các trường khác.
Tôi thấy việc dạy được học sinh hay không là do thầy. Người thầy có xây dựng được mối quan hệ với học trò không. Cùng những em đó với 2 người thầy khác nhau là các em đã có cách hành xử khác nhau.
Tôi nhớ trong 4 năm tôi dạy thì có 1 thầy giáo, học sinh gần như chọi giấy chọi vở vào thầy nên thầy chỉ dạy một thời gian. Hiệu trưởng nói tôi tiếp nhận 6 lớp của thầy. Khi tôi vào dạy, học sinh bình thường lại, cuối năm điểm thi rất cao. Quan điểm lúc mới vào nghề của tôi là một người giáo viên giỏi có thể dạy được những học sinh yếu kém và không có động lực đi học.
Được biết, trong thời gian đầu dạy ở Mỹ, anh đã giúp 600 học sinh đã từng học yếu, kém vào Đại học, anh đã làm điều này như thế nào?
Khi qua Mỹ rồi vào dạy ở trường trung học Sam Houston, tôi bỏ ra 3 tháng hè để soạn bài, đều là chương trình rất dễ. Vào lớp dạy, tôi giao bài tập cho cả lớp nhưng không ai làm, học sinh chỉ ngồi nhìn tôi.
Tôi hỏi từng bạn thì thấy các bạn không biết làm. Dù là học sinh lớp 11 nhưng các bạn không biết vẽ đồ thị dù các điểm đã cho sẵn, giải phương trình bậc nhất là cả một vấn đề lớn, cho đường kính hình tròn, đưa công thức để tính bán kính, các bạn cũng không tính được. Thậm chí, có nhiều bạn không biết tam giác có mấy cạnh. Đối với các bạn, toán là một môn xa xỉ, khó, các bạn nghĩ rằng bài tập khó, không bao giờ làm được nên nản, tập trung quậy.
Lúc này, tôi soạn lại tất cả chương trình. Trong đầu tôi, những kỹ năng nào mà các bạn cần để giải những bài toán khó qua kỳ thi, tôi phân tích và dạy lại từ đầu. Tôi dạy các bạn vẽ đồ thị, không chỉ dạy, mà còn đưa các hoạt động vào, nếu chỉ giảng trên bảng thì không hiệu quả. Bàn ghế tôi sắp xếp theo đồ thị toán học, tôi sắp xếp chỗ ngồi, mỗi bạn 1 tờ giấy ghi số 2,3… Các bạn phải tìm được chỗ ngồi, những hoạt động như vậy giúp các bạn hiểu bài hơn việc nhớ x là gì, y là gì. Tôi dạy từng bước một cách giải phương trình bậc nhất, bậc hai…
Điều quan trọng nhất cũng là chìa khóa thành công của tôi, đó là cho các bạn nếm được vị ngọt của thành công là như thế nào trong lớp toán, khi đó học sinh sẽ có động lực. Tôi đưa các bài dễ để các bạn giải được rồi dần nâng độ khó. Có những người giáo viên khác vào lớp đưa bài khó, đánh đố học sinh nào giỏi giải được, tôi không làm vậy. Tôi để các bạn thấy toán không khó như những gì mình suy nghĩ.
Để dạy lại từ đầu, rõ ràng, nếu chỉ có thời gian trong những tiết toán, dường như không đủ?
Tôi cho học sinh thấy mình quan tâm đến các bạn, không chỉ qua lời nói mà bằng hành động. Mỗi ngày, trường bắt đầu từ 8h30 sáng nhưng 6h sáng tôi có mặt ở trường, để tôi soạn bài, và cho học sinh thấy nếu con cần kèm, không hiểu bài thì 6h sáng thầy có mặt ở đây. Giờ tan lớp là 4h chiều nhưng 6h tối tôi mới rời khỏi trường, để học sinh thấy tôi ở đây để sẵn sàng đợi các bạn hỏi bài.
Ban đầu có ít học sinh đến hỏi bài lắm, sau này có đến 30 học sinh đến làm bài. Đây là những học sinh đã từng không bao giờ ở lại trường đến giờ này, không quan tâm đến điểm A hay B. Tôi đã cho các bạn thấy thầy ở đây để giúp các em chứ không phải đánh rớt các em. Khi thấy như vậy, các bạn tới học kèm, lên lớp làm bài điểm cao, các bạn mừng lắm. Học sinh thấy điểm cao, mình làm được, không bao giờ có chuyện không muốn làm.
Suốt 1 năm, nhà tôi cách trường 1 tiếng đồng hồ nhưng ngày nào tôi cũng có mặt ở trường 6h sáng và ra về lúc 6h tối. Khi tôi soạn bài, tôi luôn nghĩ làm thế nào để học sinh lắng nghe mình, quý mình hơn. Có những công thức tôi còn viết thành bài hát cho các em nhớ.
Theo anh, bên cạnh hướng dẫn lại, dành thời gian quan tâm đến học sinh, chìa khóa nào giúp anh thay đổi được 600 học sinh như vậy?
Chìa khóa thành công lớn nhất là tạo được mối quan hệ giữa thầy và trò. Điều quan trọng là học sinh phải thích giáo viên. Nếu học sinh không quý giáo viên, sẽ không thích tới lớp, mình dạy hay tới mức nào các bạn cũng không nghe.
Một tiết học 55 phút, tôi chỉ đứng trên bục giảng 10-15 phút để giảng bài, sau đó tôi tới chỗ từng bạn để xem bạn làm bài như thế nào, hiểu bài hay không. Tôi trò chuyện thêm với các em để hiểu được cuộc sống của các em ở nhà như thế nào, có chuyện buồn, vui gì không. Tôi nói với giáo viên, phải làm cho học sinh quý mến mình. Đó là chìa khóa thành công lớn nhất.
Đến bây giờ khi có trường tư, tôi biết phụ huynh của các em là ai, chỉ cần đi xe nào đến trường là tôi biết đó là phụ huynh của em nào. Học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, ai tôi cũng biết tên, hoàn cảnh gia đình thế nào tôi đều biết.
Giáo dục không chỉ đơn giản là đứng trên bục giảng dạy, là mình hiểu được từng học sinh. Tôi trong ngành giáo từ năm 2008, đến nay là 16 năm, chưa bao giờ tôi la học sinh, nhưng học sinh lại nể. Kể cả khi tôi phạt, các em cũng rất hiểu vì biết rằng tôi phạt không phải vì tôi là thầy mà chứng mình có quyền, tôi phạt để giúp các bạn tốt hơn và không mắc lỗi đó.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy giáo là giúp được học sinh. Nhiều người hỏi tôi rằng không biết tôi có chán hay không, nản hay không. Hồi xưa tôi từng nghĩ đi dạy thì mình dạy có nhiêu đó thứ, sẽ chán, nội dung lặp lại. Học sinh là động lực lớn nhất của tôi, thấy các em thành công là thấy mình trúng số rồi, đâu có cảm giác nào hạnh phúc hơn đối với người thầy đâu. Học sinh thi điểm cao, ra trường, thành công trong cuộc sống. Đạt được thành tích như vậy thì mình vẫn tiếp tục trong nghề giáo, làm sao lan tỏa nhiều hơn cho những học sinh khác.
Anh chia sẻ, anh thích dạy học sinh ở những khu nhà nghèo, lý do vì sao, thưa anh?
Khi mới ra trường, hoài bão của tôi là muốn tạo sự khác biệt cho thế giới. Kinh nghiệm đi dạy đầu tiên cũng cho tôi cảm nhận tôi có năng khiếu dạy học sinh ở khu nhà nghèo, không có động lực đi học. Tôi muốn giúp đỡ và thay đổi tư duy của những học sinh như vậy. Càng những khu nhà nghèo càng giáo viên tâm huyết và giỏi nghề.
Sau này, đi dạy nhiều năm, tôi thấy mình không thay đổi được thế giới, thật sự rất khó. Một hệ lớn và lâu đời rồi, mình quá nhỏ bé trong thế giới này nên mình không thay đổi được nhiều.
Động lực nào khiến anh đưa ra quyết định mở trường học ở Houston?
Tôi biết mình không thay đổi được hệ thống lớn nên quyết định tạo hệ thống riêng, xây dựng thế giới riêng, nơi tôi mình làm những gì tốt nhất cho học sinh. Mình không thay đổi được hệ thống lớn thì làm hệ thống nhỏ.
Tôi không nhận mình hoàn hảo, hệ thống giáo dục của mình có gì hơn nhưng tôi đưa ra quyết định hay chương trình mới nào thì đều vì học sinh. Điều gì tốt nhất cho học sinh, tôi mới làm.
Tôi mở trường tư vì học sinh. Mở trường tư chắc chắn là không kiếm được nhiều tiền. Ngay lúc tôi mở trường, chị gái tôi, 1 người có nhiều kinh nghiệm nói với tôi mở trường rất khó, không có lời vì chi phí rất lớn.
Tôi thấy học sinh cần một môi trường tốt để phát triển. Mình mở trường tư ra để giúp các em có tương lai tốt hơn, phụ huynh có lựa chọn thứ hai.
Quá trình mở trường học ở Houston, Van Houston Academy (VHA) của anh có gì khó khăn?
Khó khăn đầu tiên là tuyển sinh. Năm 2016, tôi xây khuôn viên mở ban đầu hoạt động với mô hình “After school” – phụ đạo sau giờ học, cơ sở vật chất không đẹp. Sau đó, tôi quyết định mở rộng mô hình thành trường tư dạy cả ngày.
Trường công ở Mỹ rất đẹp, cơ sở vật chất tốt, vậy tại sao học sinh phải chuyển từ một trường hệ thống lớn hơn, đẹp hơn qua trường tư? Trường công có ăn trưa miễn phí, xe bus đưa đón… còn trường tôi phải đóng tiền học, phụ huynh phải tự lo hết.
Trường tôi lúc mới mở ra không nhiều người biết, không nằm trong bản đồ của các trường tư. Cha mẹ lúc này lo lắng, tự nhiên có trường thầy mở ra, mình đóng tiền học vào con mình có vào được đại học không? Đấy là những vấn đề mà phụ huynh băn khoăn về 1 trường mới.
Năm 2018, cả trường chỉ có 8 học sinh và 2 giáo viên, có 3 lớp 7,8,9 nhưng phải đủ các bộ môn, thuê giáo viên cho các lớp. Tôi phải cắn răng chịu đựng vấn đề tài chính. Để thành công được thì mình phải có đầy đủ chương trình thì các bạn mới tốt nghiệp, vào được đại học. Để đại học nhận trường mình thì phải qua kiểm duyệt của tiểu bang. Kiểm duyệt kỹ, giáo trình, giáo viên, phỏng vấn giáo viên, học sinh… Đa số nhiều người không mở trường được vì những lý do đó.
Như anh chia sẻ, để mở trường cần chi phí lớn, anh giải quyết bài toán này thế nào?
Tôi dùng số tiền có được khi dạy mô hình “After school” – phụ đạo sau giờ học để bù vào chi phí mở trường tư. Lớp “After school” của tôi lúc đó cũng khá có tiếng. Những giáo viên đồng hành cùng tôi lúc ấy cũng rất thấu hiểu. Họ biết tôi khó khăn nhưng thấy được nhiệt huyết của tôi cũng như thấy đây là môi trường để họ có thể thỏa mãn đam mê nên lương tôi trả thấp hơn ở ngoài 20.000 USD 1 năm, họ vẫn đồng ý. Hồi đó, tôi cũng phải tính toán rất nhiều để duy trì mấy năm đầu tiên.
Hiện tại, trường học đã đạt được những thành tựu cụ thể như thế nào, thưa anh?
Năm đầu, trường tôi có 8 học sinh, cuối năm đó có 20 học sinh, năm thứ 2 có 40 học sinh. Qua năm covid, hiện tại có 200 học sinh, 18 giáo viên. Vài năm tới chuyển qua khuôn viên đẹp hơn, xây trường đẹp hơn.
Năm 2022, chúng tôi có lớp tốt nghiệp đầu tiên, từ lớp 12 lên ĐH, 100% các em được nhận vào Đại học, gần như em nào cũng có học bổng. Năm vừa 2003, có 17 học sinh tốt nghiệp, trong đó có 8 học sinh tốt nghiệp High school và nhận bằng ĐH 2 năm theo chương trình kép do chúng tôi phối hợp thiết kế với 3 ĐH đối tác.
Anh có triết lý đặc biệt nào khi theo đuổi giáo dục?
Triết lý duy nhất của tôi là đặt học sinh ở hàng đầu cho mọi quyết định liên quan đến giáo dục của tôi. Điều gì có lợi cho học sinh thì tôi mới làm. Ở trường tôi, điều quan trọng là tạo động lực cho học sinh đi học và thích học tốt. Học sinh có động lực bên trong rồi thì sẽ cố gắng. Dù bây giờ tôi chưa hoàn toàn thực hiện được nhưng cũng đã tạo được ước mơ cho học sinh.
Ước mơ của tôi là mang đến môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, và ở đó mỗi học sinh tìm được ước mơ của mình.
Mục tiêu, mong muốn của anh trong tương lai về Van Houston Academy (VHA)?
Tôi muốn trường mình sẽ có nhiều chương trình khiến học sinh thích. Ngày xưa, ba của tôi có nói, hãy làm thế nào để giúp đỡ được người khác. Ba nói với tôi, nếu học cao, học trường nổi tiếng để kiếm tiền, làm giàu thì không cần đi học quá cao, không cần phải vô Stanford.
Ba nói, muốn giúp đỡ được người khác thì phải học cao hơn, giỏi hơn để tạo được sự khác biệt. Tôi đi học Stanford để giỏi hơn trong nghề giáo, tạo được môi trường giúp nhiều học sinh hơn.
Trong tôi luôn nung nấu mong muốn giúp các bạn học sinh Việt Nam thành công hơn, giống như cách chị gái tôi đã làm. Khi mới ra trường, tôi muốn giúp học sinh nhà nghèo. Sau này, tôi nghĩ học sinh nào có sự hướng dẫn, cũng sẽ tiến bộ hơn, chắp cánh được ước mơ. Nhà nghèo hay giàu đã không còn quan trọng, học sinh nào cũng giống nhau.
Nhiều người hỏi tôi sao chưa mở trường ở Việt Nam nhưng tôi thấy mình chưa đủ sức, đủ giỏi. Tôi muốn giúp đỡ học sinh Việt Nam nên đã nộp đơn và được chấp nhận tuyển du học sinh. Tôi không mang được trường về Việt Nam nhưng giúp được học sinh Việt Nam khi đến đây, tạo bước đệm tốt để các em vào đại học.
Nghe những điều anh chia sẻ, có lẽ, gia đình và những lời nói của bố cũng là động lực truyền cảm hứng cho anh?
Tôi được ảnh hưởng lớn từ gia đình. Ba mẹ tôi luôn đặt nặng việc học, giáo dục là quan trọng, phải đi học cho giỏi mới có cơ hội vươn lên. Bất kỳ mong muốn gì về việc học của tôi, ba mẹ đều không từ chối. Ngày bé, tôi Nha Trang muốn đi Sài Gòn mua sách, ba cũng chở tôi đi và nhờ người chở đi khắp thành phố tìm mua sách đó.
Điều quan trọng là ba tôi đã gieo ước mơ vào từng đứa con của mình từ nhỏ. Ba luôn nhắc nhở, ba muốn các con lớn lên phải làm sao giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người xung quanh, tạo được sự khác biệt. Điều này luôn thôi thúc, tôi làm cái gì cũng nghĩ đến phải giúp đỡ người khác, bằng cách này cách khác. Những suy nghĩ này được gieo trong đầu tôi từ nhỏ, rằng sau thành công để làm gì, để giúp cho cuộc sống, xã hội tốt hơn, những người kém may mắn hơn.
Điều này là triết lý sống của mấy anh chị em tôi. Ngay cả khi chị Văn Đinh Hồng Vũ làm Elsa Speak cũng muốn giúp mọi người học tiếng anh. Với ba, học bác sĩ hay học gì không có quan trọng, chỉ cần tôi lo được cho bản thân, tạo được sự khác biệt cho xã hội. Mình may mắn học ở Imperial College London, Stanford, có những tấm bằng đó để làm gì nếu chỉ chăm chăm sống để nuôi bản thân? Ba không quan trọng việc ở khách sạn, resort sang mà quan trọng là những đứa con tạo ra được giá trị, đóng góp cho xã hội.
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho chúng tôi. Dù có thất bại thì vẫn có gia đình hỗ trợ. Ngày cả lúc tôi mở trường, không ai ủng hộ, người rất giỏi và giàu mà người ta còn chưa dám làm. Tôi vì quá đam mê nên nên mọi người trong nhà hỗ trợ, chị đầu hỗ trợ về tài chính business, giấy tờ, chị lo hết để tôi tập trung vào chuyên môn. Chị Vũ thì hỗ trợ tư vấn, mối quan hệ. Ba tôi hỗ trợ đến mức ngày nào tôi bận rộn ba cũng mua đồ ăn trưa đến.
Ba xây dựng được văn hóa gia đình rất hay, anh chị em yêu thương nhau. Ba nói, thứ nhất, trong gia đình không được giận nhau. Khi tôi mở trường cũng vậy, đã là giáo viên, không bao giờ được giận học sinh cho dù học sinh có ngỗ nghịch. Lúc nào cũng nghĩ đóng góp cho xã hội, hướng về gia đình.
Anh có điều gì muốn chia sẻ với các bạn trẻ, những học sinh của mình?
Tìm được đam mê, hoài bão, đầu tư lớn nhất vào bản thân. Các bạn đừng bao giờ tìm đường tắt cách làm giàu nhanh, đầu tư vào bản thân cho thật giỏi, theo bất kỳ ngành nào cũng thành công.
Tôi đạt được một số thành tựu trên bước đường giáo dục nhờ trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình. Ngày xưa, tôi có thể cứ đi dạy hoài mà lên được hiệu trưởng không cần đi học tiếp tục nhưng tôi cảm thấy kiến thức chưa đủ, nên tôi đi học Stanford để mình giỏi hơn, làm được việc lớn hơn.
Đầu tư thật lớn vào bản thân để làm sao ra đời, có đi làm, người ta quý trọng tài năng của mình. Đi làm ở đâu, cống hiến hết mình, đừng nghĩ cái này chỉ tạm bợ thôi nên không muốn làm hết sức. Đầu tư vào bản thân, cống hiến hết mình và đừng bỏ cuộc, mình bắt đầu cái gì bằng mọi giá phải hoàn thành. Cơ hội sẽ tới khi mình chứng minh được năng lực.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn: Cafebiz.vn