Ngành học có điểm chuẩn dự báo cao nhất Đại học Bách Khoa: Thu nhập ‘chót vót’, lương vài chục triệu đồng trong tầm tay nhưng YÊU CẦU cực cao!

Đây là ngành học siêu hot nhưng lại “khát” nhân lực.

Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố dự báo điểm chuẩn tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi Đánh giá tư duy (TSA) và điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, trong nhóm số 1, chương trình học 3 chuyên ngành là CNTT – Khoa học máy tính, CNTT Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đều đưa ra khoảng dự báo điểm chuẩn TN THPT là trên 28 điểm. 

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các cuộc các mạng số và chuyển đổi số, đây đều là những ngành học “khát” nhân lực trong thời gian tới. Trong đó, ngành Khoa học máy tính được dự đoán là một trong những ngành dẫn đầu xu hướng trong thời đại 4.0, được nhiều người trẻ quan tâm.

Theo báo cáo của VietnamWorks – trang tin tuyển dụng lớn nhất Việt Nam cho thấy, trong 10 năm qua, nhu cầu nhân lực về ngành Khoa học máy tính tăng gấp 04 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngành học có điểm chuẩn dự báo cao nhất Đại học Bách Khoa: Thu nhập 'chót vót', lương vài chục triệu đồng trong tầm tay nhưng YÊU CẦU cực cao!- Ảnh 1.

Khoa học máy tính là gì? Học ở đâu?

Khoa học máy tính là ngành nghề giúp người học có thể làm chủ mọi khía cạnh của máy tính bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa các yếu tố như phần cứng, phần mềm, hệ thống hay mạng lưới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người tiêu dùng.

Mục tiêu đào tạo của ngành Khoa học máy tính là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản về Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), đồng thời đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, giải pháp thông minh phục vụ của cuộc sống.

Hiện nay, trên thế giới, các quốc gia lớn cũng đặc biệt tập trung đầu tư hệ thống giáo dục đa dạng và phong phú cho ngành nghề này. Trong đó, Phần Lan, Anh, Mỹ và Úc là những quốc gia phát triển mạnh về ngành Khoa học máy tính. Một số trường Đại học nổi tiếng trên thế giới đào tạo ngành Khoa học máy tính mà bạn có thể tham khảo như: Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Đại học Melbourne (Úc), Đại học Oxford (Anh), Đại học Helsinki (Phần Lan),…

Ở Việt Nam, nhiều trường Đại học cũng nhận thức được tiềm năng phát triển của Khoa học máy tính và mở thêm ngành học này. Trong đó, một số trường Đại học đào tạo ngành Khoa học máy tính mà bạn có thể tham khảo gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ thông tin trực thuộc trường Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Đại Nam, Đại học Fulbright,…

Ngành học có điểm chuẩn dự báo cao nhất Đại học Bách Khoa: Thu nhập 'chót vót', lương vài chục triệu đồng trong tầm tay nhưng YÊU CẦU cực cao!- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Cơ hội nghề nghiệp và mức lương của ngành Khoa học máy tính

Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Máy Tính có thể làm việc ở nhiều vị trí trong đó có các vị trí và lĩnh vực sau:

1. Chuyên gia phân tích, thiết kế, xây dựng giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ tại các công ty, tập đoàn công nghệ.

2. Chuyên gia lập trình Trí tuệ nhân tạo, tham gia phát triển các phần mềm, ứng dụng, các hệ thống tính toán thông minh.

3. Tham gia Bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (Research & Develop) của các công ty và tập đoàn công nghệ.

4. Nhà nghiên cứu về Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu của các công ty và tập đoàn công nghệ.

5. Giảng viên dạy các môn liên quan đến lĩnh vực Khoa học máy tính tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và các trường phổ thông.

Theo giảng viên tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, người lao động sẽ đạt mức lương có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn, tùy thuộc vào đơn vị tuyển dụng. 

Ngành học có điểm chuẩn dự báo cao nhất Đại học Bách Khoa: Thu nhập 'chót vót', lương vài chục triệu đồng trong tầm tay nhưng YÊU CẦU cực cao!- Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Để đạt được mức lương cao, người làm nghề cần làm chủ các kiến thức và kỹ năng liên quan đến trí tuệ nhân tạo và học máy, phát triển phần mềm, xử lý dữ liệu, điện toán đám mây, kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, tuân thủ đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.

Đặc biệt, theo số liệu thống kê dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của TopDev, dự báo từ năm 2022 – 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 – 195.000 lập trình viên/ kỹ sư công nghệ thông tin hằng năm. Đồng thời, theo dự báo của LinkedIn, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Khoa học máy tính sẽ tăng 22% trong vòng 5 năm tới.

Người làm trong ngành Khoa học máy tính cần có tố chất gì?

Theo PGS.TS Vũ Duy Lợi – Trưởng khoa Khoa học máy tính, trường Đại học Đại Nam, Khoa học máy tính là lĩnh vực đòi hỏi người làm trong ngành phải vận dụng “chất xám” cao. Ngành có nhiều thách thức nhưng lại đi kèm với mức lương hậu hĩnh.

Cụ thể, lĩnh vực Khoa học máy tính đòi hỏi người làm trong ngành cần có 3 tố chất sau:

1. Nắm bắt tính đa dạng của lĩnh vực

Khoa học máy tính bao gồm rất nhiều lĩnh vực con như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, khoa học dữ liệu, máy tính lượng tử,… Điều này đòi hỏi những người làm trong ngành phải có kiến thức rộng và khả năng tiếp thu nhanh các tiến bộ công nghệ mới.

2. Liên tục bắt kịp và thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ

Trong thời đại 4.0, công nghệ luôn phát triển với tốc độ nhanh chóng. Việc theo kịp và áp dụng những tiến bộ mới là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu và các chuyên gia trong ngành.

3. Khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp

Người theo học ngành nghề này cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và giải quyết các vấn đề phức tạp như: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện hình ảnh và dữ liệu lớn. Điều này đòi hỏi người học phải nắm vững các kỹ năng chuyên môn sâu kết hợp giữa toán học, lý thuyết máy tính và kỹ thuật lập trình.

Tổng hợp 

Nguồn: Cafebiz.vn