Vì lợi ích trước mắt mà nhiều người nhẫn tâm bỏ đi tình cảm huyết thống…
Câu chuyện của chú Lưu được chia sẻ trên một mạng xã hội của Trung Quốc (163.com) thu hút nhiều người đọc.
Chú Lưu 65 tuổi, đã nghỉ hưu cách đây hơn hai năm. Ban đầu, tôi định nghỉ hưu trên thành phố nhưng lại quá buồn chán do ở một mình nên tôi quyết định về quê tận hưởng những ngày an nhiên cùng không khí trong lành. Những điều bất ngờ lại xảy ra từ quyết định đó, người anh trai mà trước đây luôn giúp đỡ và ủng hộ lại trở thành nỗi “ác mộng” của tôi.
Gia đình chúng tôi có 3 anh chị em, tôi là con thứ hai, trên tôi có anh trai hơn 3 tuổi, người dưới là em út, nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Ba anh em chúng tôi vô cùng thân thiết từ khi còn nhỏ, cũng bởi hoàn cảnh gia đình tương đối nghèo. Ba anh em chúng tôi làm gì cũng luôn nghĩ đến nhau.
Khi bố tôi qua đời, mối quan hệ giữa ba anh em càng trở nên thân thiết hơn. Lúc đó, sức khỏe của mẹ tôi yếu nên anh cả trở thành trụ cột gia đình. Anh đã phải bỏ học giữa chừng khi đang học cấp 2 để gánh vác gia đình. Tôi thì khá hơn tốt nghiệp xong cấp 3, tôi cũng không học mà lên thành phố làm việc. Cả hai anh em tôi chăm chỉ để kiếm tiền cho em gái ăn học và phụ giúp gia đình.
Năm tôi 20 tuổi, mẹ lâm bệnh và qua đời. Em út sợ gây rắc rối cho anh em chúng tôi nên đã lén ra ngoài làm việc và kết hôn không lâu sau đó. Khi em tôi kết hôn, cô ấy nhận được của hồi môn là 2000 NDT (khoảng 7 triệu đồng), một số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Hai anh em chúng tôi đã dùng số tiền đó để sửa lại căn nhà.
Tôi quanh năm ở trên thành phố, chỉ có về quê mới ở lại và sinh hoạt chung với gia đình anh cả. Càng về sau này, tôi được thăng chức lên lãnh đạo nên đã mua một căn nhà ở thành phố để gia đình tôi ổn định. Tần suất tôi trở về quê ngày càng ít, chỉ có dịp Tết hoặc giỗ bố mẹ, cả căn nhà tôi để lại cho gia đình anh cả ở.
Gia đình anh tôi thì làm nông ở quê, có 3 đứa con nên kinh tế cũng không mấy khả quan nên tôi thường cố gắng hỗ trợ khi các cháu đi học. Ngoài ra, một nửa căn nhà tôi cũng cho anh mượn hết để sử dụng cho gia đình các cháu ở.
Tuy nhiên, ba đứa con của anh cả lại không mấy giỏi giang. Hai cô con gái lấy chồng sớm, một đứa con trai út thì được chiều chuộng từ nhỏ. Sau 2 năm học Đại học thì cũng bỏ học, chơi bời bằng tiền của bố mẹ.
Cuộc sống của tôi thì khá hơn. Tôi có hai căn nhà ở thành phố, hai người con: một gái, một trai. Con trai đi làm ở Bắc Kinh, con gái lấy chồng ở thành phố bên cạn. Cả hai tương lai đều rất hứa hẹn. Những năm sau đó, chức vụ của tôi ngày càng lên cao trước khi nghỉ hưu tôi đã đảm nhận vị trí giám đốc xưởng, thu nhập cũng rất tốt.
Trước khi tôi nghỉ hưu, các con tôi đã ổn định với gia đình riêng. Cuộc sống của hai vợ chồng tôi rất hạnh phúc và đủ đầy. Chúng tôi đăng ký vào các câu lạc bộ, đi du lịch và vui chơi bên con cháu. Nhưng đến năm thứ hai về hưu, tôi chưa kịp đưa vợ đi du lịch xuyên quốc gia thì bà ấy qua đời vì bạo bệnh.
Sau khi vợ tôi mất, tôi sống một mình trong thành phố. Tôi cảm thấy cô đơn vô cùng, để bản thân có thể vơi đi nỗi buồn tôi đã quyết định về quê nghỉ hưu. Dù sao ở đó có gia đình anh trai, có ruộng vườn, tôi sẽ không cảm thấy cô đơn. Hai căn nhà trên thành phố tôi cho thuê để kiếm thêm thu nhập.
Những tưởng khi về quê sẽ được gia đình anh cả chào đón nhưng không ngờ khi bước vào cửa tôi lại nhận về những cái nhìn không mấy thiện cảm. Trước đây khi gia đình tôi về quê ngắn ngày, họ đều khá nhiệt tình, đối xử với chúng tôi như những vị khách quý.
Anh trai không từ chối cho tôi ở. Cháu trai thì đã dọn một phòng cho tôi ở, nhưng lại rằng đây là phòng mà cháu gái ở vào những dịp lễ Tết. Từ đây, tôi có thể hiểu rằng tôi không nên ở đây quá lâu. Những căn phòng trước đây khi sửa nhà thuộc quyền sở hữu của tôi đã bị phá hỏng. Mấy năm trước khi vợ chồng tôi về vẫn còn hai phòng riêng để ngủ. Nhưng lần này về, một phòng đã được anh trai biến thành phòng tắm, còn phòng kia thành nhà kho nhỏ.
Tôi cũng không để tâm mấy đến việc sửa chữa, sau này tôi sẽ sống với cả gia đình anh cả nên không cần phải tính toán quá. Nhưng không ngờ sau hai ngày ăn cơm cùng, chị dâu lại nói thẳng tôi nên tự nấu ăn riêng. Sau đó, tôi xin anh cả cho tôi một phòng, một bếp và một phòng tắm. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn khi sống riêng như vậy.
Sau khi sống tách ra, tôi và anh cả không những trở thành hai gia đình mà còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Gia đình anh cả cứ mấy ngày lại tới kiếm chuyện với tôi. Hồi mẹ tôi mất, bà có để lại 3 sào ruộng và hơn 10 sào rừng, mỗi anh em sẽ được một nửa, nhưng trước đây tôi ở thành phố nên mọi thứ để lại cho anh chăm lo.
Bây giờ về quê, tôi muốn dùng một ít đất để trồng hoa, trồng rau nhưng chị dâu không chịu. Lúc đó, tôi rất tức giận, rõ ràng một nửa tài sản đất cát là của tôi mà tôi không thể động vào. Chị dâu nói: “Chú có bỏ công sức ra làm cho mảnh đất màu mỡ đâu mà giờ lại đòi dùng…”. Tôi tức giận lên thẳng ủy ban thôn nhờ can thiệp. Điều tôi không ngờ là khi xác nhận quyền sử dụng đất cách đây 5-6 năm, anh cả tôi đã trực tiếp đứng tên toàn bộ đất đai.
Tôi không xin đất của gia đình anh cả nữa mà tôi thuê mảnh đất nhà hàng xóm bên cạnh để tự trồng rau, nuôi gà. Tôi tưởng rằng như thế đã có thể yên tâm nhưng gia đình anh cả vẫn luôn kiếm chuyện với tôi. Đầu tiên, họ cho chó sang cắn gà, sau đó họ cố tình phun thuốc trừ sau vào rau tôi trồng. Điều nực cười nhất là họ khoét vài lỗ nhỏ trên mái phòng tôi. Khi trời mưa, trong nhà sẽ bị ướt. Tôi đã rất nhiều lần tức giận và cãi vã với gia đình họ nhưng không được.
Tôi sống chật vật ở quê nhà với trạng thái luôn phải đề phòng gia đình anh cả. Những ngày như vậy khiến tôi rất bất an và cảm thấy như mình sắp phát điên. Trong thôn cũng nhiều người biết chuyện và thấy bất bình cho tôi nhưng họ cũng không làm gì được bởi chị dâu tôi vốn nổi tiếng chua ngoa, không ai dám dây dưa với chị.
Tôi thật sự không hiểu sao họ lại đối xử với tôi như vậy, tôi cũng sẵn sàng đóng tiền ăn và hỗ trợ phí sinh hoạt cho gia đình mà…
Sau này, một người hàng xóm trong làng rất thân với anh cả và chị dâu đã bí mật nói với tôi rằng sở dĩ gia đình anh làm vậy vì cho rằng nếu tôi quay trở lại thành phố, nhà đất sẽ thuộc họ. Tôi sẽ lấy đi một nửa tài sản. Sau khi nghe những gì hàng xóm nói, tôi chợt ngộ ra rằng anh trai và chị dâu không muốn tôi về quê chỉ vì nhà cửa và tiền bạc.
Sau khi hiểu ra những điều này, tôi không còn muốn ở lại quê nữa. Chỉ vì tiền bạc mà họ sẵn sàng chà đạp lên hai chữ “tình thân”, tôi cũng chả có ý định đòi lại nhà đất từ tay họ. Tôi lên lại thành phố và không bao giờ về quê nữa. Hơn nữa, tôi cũng dặn dò các con rằng dù gia đình anh cả có khó khăn đến mấy thì không ai trong chúng ta nên giúp đỡ, bởi họ không thừa nhận và trân trọng mối quan hệ trong gia đình.
Nguồn: Cafebiz.vn