Khó khăn xin việc làm, 66% giới trẻ đua nhau thẩm mỹ, chăm chút ngoại hình để thu hút nhà tuyển dụng, nam giới chi tiền mạnh tay hơn cả phụ nữ

Trước những cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng, thế hệ Gen Z lo ngại ngoại hình chính là rào cản của sự thành công. Do đó, họ càng mạnh tay chi tiền đầu tư vào nhan sắc.

Theo một cuộc khảo sát được công bố hôm thứ Hai, khoảng 2/3 số người trẻ tìm việc ở Hàn Quốc cho biết họ đầu tư sắc đẹp để có được việc làm. Bởi nhiều người tin rằng, ngoại hình đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cơ hội được tuyển dụng.

Cụ thể, kết quả khảo sát do nền tảng việc làm Catch thực hiện với 1.455 người thuộc thế hệ Z – những người sinh năm 1997 đến 2012 cho thấy, khoảng 66% người trẻ đang chăm chút ngoại hình nhiều hơn, trong khi 34% còn lại thì không.

Khó khăn xin việc làm, 66% giới trẻ đua nhau thẩm mỹ, chăm chút ngoại hình để thu hút nhà tuyển dụng, nam giới chi tiền mạnh tay hơn cả phụ nữ- Ảnh 1.

Gen Z Hàn Quốc đầu tư vào ngoại hình để tăng cơ hội có việc làm

Hầu hết người được hỏi chia sẻ, đã đầu tư vào quần áo, mỹ phẩm để cải thiện vẻ ngoài. Số khác đang giảm cân, tìm đến phòng khám da liễu để chăm sóc da mặt hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ ngoài ưa nhìn hơn.

Trước câu hỏi “Liệu ngoại hình có được coi là yếu tố quan trọng khi đánh giá một người xin việc không”, 70% nói Có. 

Đáng chú ý là tỷ lệ nam giới tin rằng ngoại hình nên được chú ý khi tuyển dụng cao hơn so với phụ nữ. Theo đó, 40% số nam giới trong nhóm trên cho rằng đặc điểm khuôn mặt là yếu tố quan trọng nhất khi xin việc. Trong khi 48% nữ giới cho rằng hình ảnh tổng thể mà ứng viên thể hiện quan trọng hơn.

Dữ liệu cũng cho thấy số nam giới chi tiền vào việc chăm sóc ngoại hình để xin việc nhiều hơn nữ. Chỉ 36% phụ nữ được khảo sát cho biết chi hơn 100.000 won (gần hai triệu đồng) vào làm đẹp. Con số này ở nam giới là 42%.

Khó khăn xin việc làm, 66% giới trẻ đua nhau thẩm mỹ, chăm chút ngoại hình để thu hút nhà tuyển dụng, nam giới chi tiền mạnh tay hơn cả phụ nữ- Ảnh 2.

Nam giới Hàn Quốc chi tiền mạnh tay hơn cả phụ nữ để làm đẹp

Được biết, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Hàn Quốc phục hồi khá chậm, tỷ lệ thanh niên có việc làm cũng giảm đáng kể. Nhóm người dưới 30 tuổi mất trung bình 11,5 tháng để có việc làm sau khi tốt nghiệp, chạm mốc kỷ lục thời gian tìm việc dài nhất trong 20 năm qua, theo Cục thống kê Hàn Quốc.

Trong số đó, 47,7% được tuyển dụng trong khoảng ba tháng từ khi tốt nghiệp, hơn 30% mất hơn một năm mới tìm được chỗ làm. Tỷ lệ người mất hơn ba năm mới thoát cảnh thất nghiệp tăng lên 9,7% so với mức 8,4% của năm ngoái.

Người có trình độ trung học hoặc thấp hơn thường thất nghiệp 17,6 tháng cũng tăng so với 14,8% năm ngoái. Trong lúc thất nghiệp, có 22,1% nói họ tham gia các hoạt động giải trí và học thêm các chứng chỉ nâng cao bằng cấp.

Nguồn: Cafebiz.vn