Nhận thấy điểm bất thường, nam nhân viên lập tức khước từ yêu cầu vay tiền của lãnh đạo cấp trên.
Gia Hàn là nhân viên trực ca đêm của một công ty hậu cần ở quận Phụng Hiền, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Tháng 6 năm 2023, sau khi kết thúc ca trực và trở về nhà, Hàn nhận được một thông báo kết bạn trên nền tảng nhắn tin Wechat. Người gửi lời mời chính là ông Trần – lãnh đạo công ty mà Hàn đang làm việc. Trước đó, Hàn đã kết bạn với một tài khoản Wechat khác của ông Trần, khi thấy thông tin hiển thị trên tài khoản mới không có gì đáng ngờ, nam nhân viên lập tức đồng ý kết bạn.
Ngay sau khi trở thành bạn bè trên Wechat, phía ông Trần lập tức nhắn tin hỏi thăm tình hình công việc và sức khỏe của Hàn. Ông Trần cho biết tài khoản Wechat trước đó dùng để liên lạc với đối tác và khách hàng. Còn tài khoản hiện tại dùng vào việc cá nhân, để tiện kết nối với bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
Trò chuyện một lúc, ông Trần vay Hàn 5000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) để thanh toán phí gửi xe ở khu chung cư. Ông Trần cho biết vì không mang theo thẻ và điện thoại có vấn đề nên không thể chuyển khoản thanh toán. Nghe vậy, Hàn lập tức chuyển 5000 NDT vào số tài khoản được sếp cung cấp mà không nghĩ ngợi quá nhiều.
Hai tuần sau đó, không thấy phía ông Trần hoàn trả 5000 NDT như đã hứa, Hàn có phần bối rối và lo lắng. Nhiều lần gặp sếp ở công ty, Hàn đều niềm nở chào hỏi nhưng phía ông Trần tỏ thái độ bình thản như chưa từng quen biết. Biểu hiện dửng dưng của ông Trần khiến Hàn vô cùng bức xúc và khó hiểu. Anh nhiều lần định nhắn tin đề nghị sếp trả số tiền 5000 NDT đã vay nhưng đều từ bỏ vì ngại ngùng.
Vài ngày sau, Hàn nhận được một tin nhắn từ tài khoản cá nhân của ông Trần. Vị sếp tiếp tục nhờ nam nhân viên này gửi tiền 5000 NDT sang một số tài khoản lạ với nội dung đóng tiền học cho con gái. Lúc này, Hàn mới nhận ra điểm bất thường. Theo đó, ông Trần chỉ có 1 người con trai duy nhất năm nay đã ngoài 30 tuổi và đang vận hành một công ty ở nước ngoài. Nghĩ rằng bản thân bị lừa, Hàn lập tức từ chối yêu cầu chuyển tiền của tài khoản Wechat này, sau đó liên hệ với thư ký của ông Trần để báo cáo sự việc.
Khi được lãnh đạo xác thực không dùng tài khoản Wechat này để vay tiền, Hàn liền đến đồn cảnh sát quận Phụng Hiền để trình báo sự việc.
Từ manh mối do Hàn cung cấp, vài ngày sau, cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm tên Mỗ cũng đang sinh sống tại địa bàn quận Phụng Hiền. Người này là cựu nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu ở Thượng Hải. Sau khi nghỉ việc, Mỗ dần ham mê cờ bạc và ôm một số nợ khổng lồ.
Khi không còn cách nào để kiếm tiền, Mỗ nảy ra ý tưởng giả mạo các lãnh đạo công ty để vay tiền nhân viên. Cụ thể, hắn sử dụng hình ảnh, tên và thông tin cá nhân của các vị lãnh đạo để tạo tài khoản Wechat, qua đó thành công kết bạn và vay tiền của nhiều nạn nhân.
Tính đến thời điểm bị bắt, Mỗ đã giả danh các lãnh đạo của nhiều công ty, doanh nghiệp để thực hiện hơn 30 vụ lừa đảo trên nền tảng Wechat, với tổng số tiền lên đến gần 100.000 NDT. Trong số đó có 28 vụ nhắm vào các nạn nhân đang sinh sống trên địa bàn thành phố Thượng Hải. Hiện Mỗ đã bị bắt giữ và trừng phạt theo đúng quy định của luật pháp Trung Quốc.
Về phía Hàn, anh đã được phía lãnh đạo và công ty khen thưởng vì kịp thời trình báo sự việc và hỗ trợ cảnh sát điều tra vụ lừa đảo nghiêm trọng này.
Qua sự việc trên, cảnh sát quận Phụng Hiền, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc yêu cầu người dân nên nêu cao cảnh giác khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Nếu nhận được những yêu cầu, đề nghị vay tiền từ bạn bè, người thân, mỗi người cần xác thực thông tin trước khi tiến hành chuyển tiền để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: Cafebiz.vn