“Vì sao Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp?” và những điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản

Đằng sau việc Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp là vô vàn điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản

Doraemon không chỉ là một bộ phim hoạt hình nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn được yêu thích trên khắp thế giới. Nó đã trở thành một phần tuổi thơ đáng nhớ của nhiều thế hệ người xem nhờ những câu chuyện hấp dẫn, tính giáo dục cao và tình bạn đẹp giữa Nobita và Doraemon.

Mới đây, trên mạng xã hội Threads, một netizen thắc mắc một câu hỏi về bộ phim này. Cụ thể, câu hỏi của bạn trẻ này như sau: “Sao Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp?”.

"Vì sao Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp?" và những điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản- Ảnh 1.

Bên dưới bài đăng, dân tình thi nhau đưa ra lý do. Người cho rằng vì đây chỉ là một bộ phim, nên kịch bản được làm “phiên phiến” cho có. Tuy nhiên, không ít netizen lại cho rằng, đằng sau việc Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp là vô vàn điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản.

“Ở Nhật từ tiểu học đến hết cấp 2 không có lưu ban nên có đi học là có lên lớp, thậm chí nghỉ học giữa chừng rồi đi học lại thì cứ theo số tuổi mà học tiếp số lớp”, một bạn trẻ bình luận.

Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều bạn sẽ sốc lắm phải không nào. Bởi ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Philippines, Việt Nam… những học sinh không học tốt có thể bị lưu ban một lớp để học lại, đào sâu thêm kiến thức. Nhưng ở Nhật Bản, học sinh sẽ luôn luôn được lên lớp dù điểm kiểm tra có là bao nhiêu. Các “Nobita” ở Nhật có thể suốt ngày bị điểm 0, nhưng vẫn có thể được dự lễ tốt nghiệp vào cuối năm. Điểm số của học sinh chỉ có ý nghĩa khi học sinh tham dự kỳ thi sát hạch đầu vào của trường trung học và đại học.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là trẻ em Nhật không phải học tập chăm chỉ. Các em phải nỗ lực học tiếng Nhật Kanji để có thể đọc được một lượng từ vựng cần thiết khi ở một độ tuổi nhất định, cũng như để học các môn học khác.

Và 1001 điều thú vị khác ở nền giáo dục Nhật Bản…

Ngoài việc học sinh không bị lưu ban, nền giáo dục Nhật Bản còn vô vàn điều hay ho khác. Hãy cùng khám phá nhé!

1. Học thêm rất phổ biến

Thông tin có thể khiến bạn bất ngờ, việc học thêm ở Nhật Bản lại rất phổ biến. Khi học cấp một, học sinh Nhật đã phải tham gia những khóa học bổ túc, tăng cường, phụ đào nhằm chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Để không bị trùng với giờ học chính khóa, các lớp học thêm thường được tổ chức vào buổi tối, chủ nhật hoặc ngày lễ.

Juku (hay còn gọi là trường luyện thi) rất phổ biến tại Nhật Bản. Đa phần học viên đều đến từ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các em học tập tại đây để chuẩn bị cho những kỳ thi “trọng đại” của mình. Các lớp học Juku thường được tổ chức từ ba đến bốn lần một tuần.

Khung cảnh phổ biến trên đường sá Nhật Bản vào buổi tối là học sinh vội vã trở về nhà sau giờ học thêm.

2. Dạy về đạo đức chính là cốt lõi

Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí giáo dục đề cao đạo đức. Giáo dục Nhật Bản vận hành theo nguyên lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Một minh chứng rõ nét nhất cho việc coi trọng đạo đức của người Nhật chính là vào sau trận động đất năm 2011. Thay vì chen lấn xô đẩy, tranh giành khẩu phần ăn trong các cuộc cứu trợ, người Nhật lại nhường nhịn nhau, kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi thực phẩm, đồ dùng tiếp tế.

Ngoài ra, học sinh sinh viên Nhật Bản được dạy về nghệ thuật truyền thống như Shodo (thư pháp Nhật Bản) và haiku (một thể chính của thơ). Shodo liên quan đến chữ Hán viết và ký tự kana với một bàn chải tre bằng mực trên giấy gạo. Nghệ thuật đòi hỏi kiến thức ngôn ngữ và giúp chúng tôn trọng truyền thống văn hóa. Ngoài ra, học sinh Nhật Bản phải tham dự các lớp ngoại khóa sau giờ học.

"Vì sao Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp?" và những điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản- Ảnh 2.

3. Cấm sử dụng điện thoại

Vấn đề sử dụng điện thoại tại trường học Nhật Bản được quản lý rất nghiêm ngặt. Họ có thể dùng điện thoại ở bất cứ đâu trước khi vào trường, giữa các giờ học hoặc sau khi học xong, nhưng việc sử dụng trong giờ là không được phép. Nếu phát hiện học sinh dùng điện thoại tại khu vực không được phép, giáo viên có quyền tịch thu.

4. Tỷ lệ học sinh đi học đầy đủ, đúng giờ lên đến 99,99%

Có lẽ chúng ta ai cũng từng trốn học một vài lần. Tuy nhiên, điều đó lại là cấm kỵ với học sinh Nhật Bản. Người Nhật rất quan trọng giờ giấc nên việc đi học đúng giờ là một điều được rèn luyện từ nhỏ. Đây là những quy định “bất thành văn” vì vậy tất cả học sinh phải nghiêm túc chấp hành.

5. Đa phần học sinh phải mặc đồng phục tới trường

Việc mặc đồng phục đến trường là một điều cần thiết nếu không muốn nói là bắt buộc tại đây. Một số trường sẽ có đồng phục riêng, còn lại sẽ mặc mẫu đồng phục truyền thống phổ biến. Giống như Việt Nam, người Nhật xem việc mặc đồng phục giúp loại bỏ rào cả xã hội trong trường học.

"Vì sao Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp?" và những điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản- Ảnh 3.

6. Không có xe đưa đón học sinh

Học sinh Nhật Bản thường đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm để đi học. Nhằm đảm bảo an toàn, học sinh Nhật Bản thường đi thành từng nhóm nhỏ.

7. Giáo viên không được mời học sinh ra khỏi lớp

Việc mời học sinh ra khỏi lớp là điều tối kỵ của giáo dục Nhật. Cũng bởi vì nguyên nhân này nên các thầy, cô giáo giảng dạy ở đây thường có sự kiên nhẫn và bình tĩnh vô cùng lớn khi đứng lớp. Tuy nhiên, quy tắc này cũng sẽ bị phá vỡ trong trường hợp có học sinh phá rối lớp học thường xuyên và liên tục.

8. Trường học bắt đầu khai giảng vào tháng 4

Nếu như Việt Nam khai giảng năm học mới vào tháng 9, thì Nhật Bản lại chọn tháng 4. Ngày tựu trường ở Nhật cũng chính là ngày đầu mùa hoa anh đào nở rộ. Một năm học ở Nhật Bản gồm 3 học kỳ thay vì 2 kỳ như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, học sinh Nhật Bản được nghỉ hè tới 6 tuần, thậm chí còn có hai tuần nghỉ đông.

9. Học sinh ăn trong lớp cùng với giáo viên

Học sinh Nhật Bản ăn cơm cùng giáo viên để xóa bỏ khoảng cách giữa giáo viên – học sinh và xây dựng mối quan hệ tích cực, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Khi dùng bữa, họ có thể trò chuyện về nhiều chủ đề khác nhau. Đây là lúc, giáo viên có thể giải đáp những khúc mắc trong học tập và đời sống của học sinh.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục Nhật Bản luôn đảm bảo học sinh được ăn uống lành mạnh và cân bằng. Bữa trưa của học sinh sẽ được nấu theo thực đơn tiêu chuẩn do các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các đầu bếp có chuyên môn yêu cầu. Ngoài ra, bữa trưa trường học phần lớn được làm bằng nguyên liệu tươi sống có nguồn gốc địa phương.

"Vì sao Nobita làm bài kiểm tra toàn 0 điểm mà vẫn được lên lớp?" và những điều thú vị về hệ thống giáo dục ở Nhật Bản- Ảnh 4.

10. Học sinh phải tự dọn dẹp vệ sinh

Học sinh Nhật Bản phải tự dọn dẹp lớp của mình sau những tiết học. Chúng tự lau dọn sạch sẽ các phòng học và nhà vệ sinh. Trong khi làm, các em được chia thành các nhóm nhỏ và luân phiên trực nhật trong năm. Được biết, đây là cách để giúp học sinh Nhật rèn luyện khả năng làm việc nhóm, chia sẻ trách nhiệm, và phát triển ý thức tốt hơn đối với việc chăm sóc mọi thứ xung quanh.

Tổng hợp

Nguồn: Cafebiz.vn