Không chỉ là nguồn cảm hứng của nhiều người trên con đường sự nghiệp, phương thức giáo dục con cái của Jack Ma cũng rất đáng để nhiều người suy ngẫm.
Jack Ma là một doanh nhân nổi tiếng người Trung Quốc, được biết đến nhiều nhất với tư cách là người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Sự nghiệp và lời khuyên của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới.
Jack Ma bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một giáo viên tiếng Anh sau khi tốt nghiệp Học viện Sư phạm Hàng Châu. Những công việc đầu tiên của ông bao gồm làm biên dịch viên và sau đó là hướng dẫn viên du lịch nhờ khả năng nói tiếng Anh lưu loát.
Năm 1999, Ma thành lập Alibaba tại căn hộ của mình với mục tiêu tạo ra một nền tảng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm của họ. Alibaba ban đầu tập trung vào thương mại doanh nghiệp với doanh nghiệp, nhưng sau đó mở rộng sang bán lẻ tiêu dùng với Alibaba.com, Taobao và Tmall.
Dưới sự lãnh đạo của Jack Ma, Alibaba đã phát triển nhanh chóng và trở thành một công ty lớn trong thương mại điện tử toàn cầu. Công ty đã niêm yết vào năm 2014 trong đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.
Jack Ma đã từ chức chủ tịch điều hành của Alibaba vào năm 2019, chuyển sang vai trò từ thiện nhiều hơn. Sau khi từ chức, Jack Ma đã tập trung vào các nỗ lực từ thiện của mình, bao gồm giáo dục và các hoạt động vì môi trường. Quỹ Jack Ma của ông hướng đến mục tiêu hỗ trợ giáo dục, tinh thần kinh doanh và sức khỏe cộng đồng.
Không chỉ là nguồn cảm hứng của nhiều người trên con đường sự nghiệp, phương thức giáo dục con cái của Jack Ma cũng rất đáng để nhiều người suy ngẫm.
Dưới đây là chia sẻ của ông về câu chuyện giáo dục con cái:
Năm con trai 18 tuổi, tôi đã gửi cho con một bức email. Trong đó, tôi viết cho con 3 lời khuyên.
Khi con 18 tuổi, tôi cảm thấy con không cần một người cha, con cần một người bạn.
Thứ nhất, luôn dùng cái đầu của chính mình để suy nghĩ vấn đề. Không thể người khác nói đông là đông, người khác bảo đi phía tây cũng xách ba lô lên đi về phía tây.
Tôi có một tư duy khá khác với mọi người.
Năm 12, 13 tuổi, tôi tới Tây Hồ để học tiếng Anh. Rất nhiều người nước ngoài đến Hàng Châu đều sẽ tới Tây Hồ. Trong suốt 9 năm, tôi kiên trì dậy sớm mỗi ngày bất kể mưa gió để ta Tây Hồ, ra đó dẫn khách du lịch đi tham quan Tây Hồ miễn phí. Họ dạy tôi tiếng Anh, tôi dẫn họ đi tham quan Tây Hồ.
Tôi học được rất nhiều thứ, thứ tôi học được không chỉ là ngôn ngữ, thứ tôi học được là văn hóa. Và điều mà tôi phát hiện ra là có rất nhiều điều về Trung Quốc và thế giới tôi được trải nghiệm rất khác so với những gì tôi được dạy được bảo.
Kể từ sau đó, tôi nuôi dưỡng cho mình một thói quen, đó là với mỗi một vấn đề, tôi sẽ suy nghĩ nó từ góc nhìn, từ cái đầu của tôi. Và đây cũng là điều tôi muốn nói với con trai mình và cả với những người trẻ, chúng ta buộc phải dùng cái đầu, dùng góc nhìn của bản thân đi suy nghĩ vấn đề.
Điều thứ hai tôi viết cho con trai chính là luôn nhìn về tương lai với một thái độ tích cực lạc quan. Khó khăn mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời đủ nhiều rồi, nhưng bất kể quá khứ có khó khăn ra sao, tương lai vẫn sẽ đầy những trắc trở và thách thức, vậy cho nên, một cái nhìn tích cực, một tinh thần mạnh mẽ là điều hết sức quan trọng.
Thứ ba, tất cả chúng ta đều là con người, chúng ta tới với thế giới này để trải nghiệm, để khiến bản thân vui vẻ, khiến người khác vui vẻ.
Giáo dục con cái là một chủ đề rộng và đa diện, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau từ phát triển thời thơ ấu đến giáo dục đại học. Mỗi một bậc cha mẹ, dù giàu dù không khá giả đều sẽ có một cách giáo dục con cái khác nhau, tuy nhiên, có lẽ mục tiêu chung của giáo dục con cái là trang bị cho con kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để con có thể tự mình đương đầu với những thách thức của tương lai. Việc cân bằng giữa học tập trên lớp với phát triển cá nhân và hạnh phúc sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho tương lai của con trẻ.
Nguồn: Cafebiz.vn