Tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,5 tuổi, cao hơn 2 tuổi so với mặt bằng chung của cả nước. Đông Nam Bộ là khu vực có tuổi thọ trung bình cao nhất tính theo vùng.
Người dân TP.HCM có tuổi thọ cao nhất cả nước
Trong Niên giám thống kê công bố gần đây của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 100,3 triệu người, tăng 841,3 nghìn người, tương đương tăng 0,85% so với năm 2022.
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân Việt Nam năm 2023 là 74,5 tuổi, trong đó nam là 72,1 tuổi và nữ là 77,2 tuổi. So với năm 2022, tuổi thọ trung bình tăng gần 1 tuổi, trong đó, nam giới tăng 1 tuổi, còn phụ nữ tăng 0,8 tuổi.
Phân theo vùng, Đông Nam Bộ là khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất nước (76,3 tuổi), thấp nhất là Tây Nguyên (72 tuổi).
Tính theo địa phương, người dân TP.HCM có tuổi thọ cao nhất nước với 76,5 tuổi; tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi. Tuy nhiên, TP.HCM cũng là thành phố bước nhanh vào tiến trình già hoá dân số khi có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỉ lệ 12,05%). Già hóa dân số này chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Trong khi đó, các tỉnh có tuổi thọ người dân thấp nhất cả nước là Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum. Tuổi thọ trung bình người dân các tỉnh này chưa vượt quá 70 tuổi, lần lượt là 69,9, 69,8 và 69,7.
Tại Hà Nội, tuổi thọ trung bình của người dân là 76,1, đạt mức cao so với trung bình cả nước.
Số năm sống chung với bệnh tật cao
Tại Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình trong khu vực (72 tuổi), đứng thứ 4 sau Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi) và Thái Lan (76 tuổi).
Tuy nhiên, trong tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho hay số năm sống với bệnh tật của người Việt vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, tuổi thọ người dân được cải thiện nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp, chỉ đạt 63,2 tuổi khỏe mạnh (với nam) và 70 tuổi ở nữ.
Một số nghiên cứu trong nước cho thấy, dù tuổi thọ tăng, nhưng người cao tuổi nam giới có 8 năm phải sống chung bệnh tật, và ở nữ giới, con số này là 11 năm. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ giảm chức năng sống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.
Các nguyên nhân có thể kể đến như: Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng.
Thứ hai, bệnh không lây nhiễm có sự gia tăng nhanh ở nhiều người Việt. Theo kết quả Điều tra Quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 của Bộ Y tế, 20,8% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc, với 41,1% nam giới và 0,6% nữ giới. Khoảng 1/3 dân số (37,3%) đã từng tiếp xúc với khói thuốc.
Gần 2/3 nam giới (64,2%), 1/10 nữ giới (9,8%) có uống rượu, bia. Khoảng 14,7% số người uống rượu, bia ở mức nguy hại. Tỷ lệ này ở nam giới (28,5%) cao hơn nhiều lần so với nữ giới (1,0%).
Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị 400 g/ngày. Tỷ lệ người dân luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%.
Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1 g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong khi đó, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số (22,2%) thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO). Gần 1/5 dân số (19,5%) bị thừa cân, trong đó mắc bệnh 2,1% béo phì.
Thứ ba, theo Bộ Y tế, một số yếu tố khác tác động lên tuổi thọ dân số Việt Nam là các vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch…
Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng bệnh tật.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt… cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.
Nguồn: Cafebiz.vn