Cô gái 26 tuổi có cột sống như người già: Bác sĩ chỉ rõ ‘thủ phạm’ là 1 thói quen xấu

Rất nhiều bạn trẻ đã bị thoái hóa cột sống, phải phục hồi chức năng chỉ vì một thói quen xấu.

Làm công việc bán hàng online, Bùi Thu Thủy (26 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải ôm máy tính, điện thoại. Thủy bị đau mỏi cổ vai gáy nhiều. Mỗi lần đau, Thủy thường ra tiệm mát xa gội đầu, kết hợp gội đầu thư giãn và mát xa cổ vai gáy. Sau mỗi lần mát xa, Thủy cảm thấy thoải mãi dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, gần đây Thủy cảm thấy cơn đau xuất hiện ở vùng cổ và lan ra 2 bên gáy, khắp bả vai, thậm chí tê bì hết cả vùng tay. Thủy quyết định đi khám, được chẩn đoán mắc hội chứng cổ rùa và thoái hóa cột sống cổ do thói quen ôm điện thoại, máy tính cả ngày.

Cô gái 26 tuổi có cột sống như người già: Bác sĩ chỉ rõ 'thủ phạm' là 1 thói quen xấu- Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị hội chứng cổ rùa. (Ảnh: Ngọc Minh)

Thủy cho biết: “Mình mải làm, ít quan tâm tới sức khỏe, thành ra còn trẻ mà xương khớp đã thoái hóa như người già. Giờ chẳng còn cách nào khác là phải tập vật lý trị liệu để cải thiện”.

BSCK II Nguyễn Đức Minh, trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đức Giang), cho hay trong thời gian qua, khoa tiếp nhận điều trị phục hồi chức năng cho khá nhiều trường hợp bạn trẻ gặp hội chứng cổ rùa, thậm chí có trường hợp thoái hóa cột sống cổ rất trẻ.

Đặc biệt, hội chứng cổ rùa hay còn gọi là mất đường cong sinh lý cổ, gây ra các biểu hiện điển hình như khối ụ lồi lên phía sau cổ, vẹo cổ và khòm lưng khiến vai dày lên; cơn đau xuất hiện ở vùng cổ và lan ra 2 bên gáy, khắp bả vai. Cơn đau có thể kéo dài xuống tận hai cánh tay và gây ra những bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.

Hội chứng cổ rùa có liên quan tới việc sử dụng điện thoại thường xuyên. Mới đây, một nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Trường Đại học Hồng Bàng chỉ ra vấn nạn hội chứng cổ rùa ở người trẻ do lạm dụng điện thoại.

Nghiên cứu đã đi vào phân tích một số yếu tố liên quan đến hội chứng cổ rùa trên khảo sát 425 sinh viên tại TP HCM khi sử dụng điện thoại. Kết quả chỉ ra tỉ lệ mắc hội chứng cổ rùa là 46,6%, lệch trọng tâm đầu 69,2%. Nguyên nhân hội chứng cổ rùa được các nhà nghiên cứu xác định do thời gian sử dụng điện thoại nhiều, góc gập cổ trung bình thấp quá mức…

Phòng ngừa hội chứng cổ rùa

Bác sĩ Minh cho biết chúng ta có thể điều trị hội chứng cổ rùa bằng các động tác vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Ngoài ra, các bác sĩ có thể cung cấp nẹp đeo để điều chỉnh dần. Một trường hợp bệnh nhân sẽ phải điều trị từ 2-3 tháng.

Để tránh hội chứng hội chứng cổ rùa, thoái hóa cột sống sớm ở người trẻ, ngay từ lúc đi học, học sinh cần phải có tư thế ngồi đúng, hạn chế sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi. Người trẻ nên có thời gian sử dụng điện thoại hợp lý, tập thêm những động tác tốt cho cột sống, nên tập yoga, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Lưu ý tư thế ngồi

– Giữ cổ ở vị trí thẳng trục với cột sống.

– Vai thả lỏng, đặt cẳng tay ở mặt phẳng ngang vuông góc với khuỷu tay, cổ tay thẳng trục với cẳng tay.

– Lưng giữ thẳng. Bàn chân nên đặt bằng phẳng trên sàn.

– Trong trường hợp ghế quá cao, nên dùng một chiếc ghế thấp hoặc 1 hộp vuông để kê chân lên ở vị trí thoải mái nhất.

– Tránh ngồi bắt chéo chân vì tư thế này sẽ gây áp lực lên vùng dưới đầu gối, dễ gây tê liệt dây thần kinh.

– Tránh tư thế cong lưng hoặc ngửa cổ để nhìn màn hình.

– Sau 1 đến 2 tiếng làm việc, nên đứng lên đi lại, vận động nhẹ nhàng để các cơ được thư giãn.

Nguồn: Cafebiz.vn